Xông hơi là biện pháp chăm sóc sức khỏe và làm đẹp phổ biến. Tuy nhiên, để xông hơi an toàn, bạn cần lưu ý một số việc để tránh gây hại đến sức khỏe.
Lợi ích của xông hơi
Xông hơi có nhiều lợi ích trong việc điều trị một số bệnh thông thường và nhất là hồi phục, nâng cao sức khỏe. Bằng cách dùng các loại lá, thảo dược, tinh dầu và hơi nóng từ hơi nước hay đá xông, làm toát mồ hôi tự nhiên như một cách loại bỏ nhanh chóng các chất độc trong cơ thể, cho nên từ rất lâu nhiều người thường dùng cách này để chữa bệnh, giải cảm và giảm mệt mỏi.
Xông hơi có thể coi là một phương pháp hiệu quả giải độc tự nhiên. Hơi nóng từ xông hơi làm giãn nở mạch máu dưới da, kích thích lưu thông khí huyết, thúc đẩy việc đào thải các chất độc tích tụ trong cơ thể theo đường mồ hôi. Đồng thời, khi xông hơi, lượng mồ hôi được bài tiết ra khá nhiều sẽ mang theo những chất độc từ quá trình trao đổi chất và hoạt động của cơ thể. Xông hơi cũng là một biện pháp giảm cân hiệu quả, khi kết hợp với các liệu pháp khác.
Xông hơi có ảnh hưởng tích cực đến tim mạch. Thời gian tiếp xúc với nhiệt độ cao trong phòng xông hơi sẽ làm các mạch máu giãn nở và có tác dụng cải thiện tuần hoàn và làm giảm huyết áp. Những người bị đau cơ và đau khớp mạn tính do bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh đau cơ do xơ hóa có thể sẽ thấy giảm đau và giảm mệt mỏi sau khi xông hơi.
Sau khi xông hơi, sức mạnh của cơ bắp và năng lượng sẽ tăng. Do vậy, nếu bạn đang tìm kiếm một phương pháp tăng cường sức mạnh cho cơ bắp và năng lượng, xông hơi có thể là một phương pháp nên cân nhắc.
Nguy cơ khi xông hơi
Mất nước và chất điện giải là nguy cơ lớn nhất khi xông hơi. Tất cả các dạng xông hơi sẽ làm cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ cao. Khi ngồi lâu trong phòng kín luôn giữ nhiệt độ từ 45-47 độ C, gần 100% độ ẩm, nước sẽ thoát qua các lỗ chân lông, khiến cơ thể bị mất nước nhiều hơn, điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cơ thể. Khi cơ thể bị làm nóng quá mức, sẽ đổ mồ hôi. Đổ mồ hôi nhiều sẽ làm mất nước và mất các chất điện giải. Cơ thể sẽ rơi vào tình trạng mất nước, nếu lượng nước mất đi nhiều hơn lượng nước nạp vào. Trung bình, mỗi người sẽ mất khoảng nửa lít mồ hôi sau khi ở trong phòng xông hơi (chừng 20 phút). Do vậy cần phải bổ sung đủ nước bằng cách uống nhiều nước khi xông hơi. Nếu bạn là người đổ nhiều mồ hôi, nên uống các loại nước có chứa các chất điện giải.
Để tránh mất nước, cần uống nhiều nước và nắm rõ các dấu hiệu từ nhẹ đến trung bình của tình trạng mất nước, bao gồm: khô miệng, rất khát nước, đau đầu, chóng mặt, mê sảng nhẹ, không tiểu tiện như bình thường hoặc tiểu rất ít. Các loại nước nên uống khi xông hơi là nước lọc, nước khoáng, nước có bổ sung chất điện giải hoặc một ly trà gừng, trà chanh ấm.
Các nguy cơ khác: Nhiệt độ cao của phòng xông hơi không những có thể tạm thời làm tăng nhịp tim của bạn, mà còn làm tăng lưu lượng máu lưu thông. Việc cơ thể bị đốt cháy calo nhanh trong một khoảng thời gian ngắn như vậy sẽ làm cơ thể nhanh chóng bị kiệt sức. Khi xông hơi, bạn cần biết rằng cơ thể sẽ mất một lượng nước rất lớn do quá trình tiết mồ hôi. Đối với những bệnh nhân tim mạch, đây là một vấn đề cần hết sức lưu ý. Lúc này cơ thể sẽ bị choáng nhẹ khá mệt mỏi và dần sẽ bị khó thở và nhiều người sẽ bị ngất vì không chống chịu được. Khi xông hơi, làn da sẽ bị trở nên thô ráp hơn rất nhiều và rất dễ xuất hiện những nếp nhăn. Do da bị hơi nóng tiếp xúc trong 1 khoảng thời gian mà lại không có quá nhiều nước duy trì nên điều này khó tránh khỏi. Hơn nữa, việc kéo dài thời gian xông hơi quá lâu trong phòng xông (bao gồm xông hơi ướt và xông hơi khô) có khả năng ảnh hưởng đến số lượng tinh trùng của đàn ông.
Đảm bảo an toàn khi đi xông hơi
Tắm trước khi xông hơi để giúp gột bỏ hết những bụi bẩn trên cơ thể mang đến sự thư giãn trước khi xông hơi. Và trong thời gian xông hơi chỉ nên lau mồ hôi bằng khăn khô. Sau khi xông hơi, lưu ý tuyệt đối không được tắm lại kể cả bằng nước nóng hay nước lạnh. Bởi vì trong quá trình xông các lỗ chân lông vừa được hơi nóng làm giãn ra hết mức để thải mồ hôi, loại bỏ những độc tố trong cơ thể, nếu bạn tắm lại ngay sẽ làm các lỗ chân lông co bít, giữ nước, gây ứ trệ, giảm lưu thông máu huyết, dễ gây cảm nhiễm, rất nguy hiểm cho tạng phổi.
Thời gian xông hơi là yếu tố quyết định hiệu quả và độ an toàn của quá trình xông. Việc xông hơi ướt hay khô đều tiết nhiều mồ hôi như nhau, nếu xông quá lâu và liên tục rất có thể làm tổn thương âm huyết, tổn hao năng lượng. Do đó, khoảng thời gian hoàn hảo nhất dành cho việc xông hơi để đạt được hiệu quả tối đa mà không gây ảnh hưởng đến cơ thể là khoảng 20 phút mỗi lần và từ 1-2 lần/tuần.
Với phòng xông hơi ướt cũng tương tự, bạn không nên thực hiện xông quá lâu vì phòng này thường rất kín và được xông chủ yếu bằng độ nóng của hơi nước, nên việc xông thời gian dài sẽ làm cơ thể ngột ngạt, thiếu ôxy. Việc xông hơi tùy thể trạng, sức khỏe và tuổi tác. Tốt nhất chỉ nên xông 15 – 30 phút cho những người sức khỏe tốt. Để tránh hiện tượng khó thở và ngột khí, nên hít hơi vào bằng đường mũi rồi thở ra bằng đường miệng một cách từ từ khi xông.
Bạn tuyệt đối không được xông hơi sau khi uống rượu hoặc ăn no. Bởi những người đang say, tình trạng tim mạch hoạt động không bình thường, khi xông hơi sẽ mang đến những tác hại không mong muốn như: tim đập nhanh, tim mạch rối loạn hoặc nguy hiểm hơn là hiện tượng nhồi máu cơ tim, đột quỵ… và xông hơi ngay sau khi ăn sẽ ảnh hưởng xấu đến dạ dày, giảm chức năng tiêu hóa, đồng thời dẫn tới các bệnh lý cho cơ quan này.
Một lưu ý nữa là phụ nữ có thai hoặc những người có bệnh lý cần tham vấn ý kiến bác sĩ để biết mình có nên xông hơi không, nếu có thì xông với liều lượng như thế nào hợp lý. Ngoài ra, những người thường bị dị ứng và nổi mề đay phải thận trọng vì môi trường nóng ẩm cao dễ khiến tình trạng dị ứng nặng thêm.
Người cao tuổi không nên xông hơi bởi phương pháp này không thích hợp với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người cao tuổi sẽ gây ra những bất lợi cho sức khỏe.
Nguồn: Minh Thảo – Sức Khỏe và Đời Sống