Song song với việc thành lập công ty, Lê Thúc Vinh còn sáng lập Trung tâm Tiếp Lửa để làm cầu nối cho người khuyết tật, tạo điều kiện cho họ học nghề, kiếm việc làm.
Việc khởi nghiệp với người bình thường đã không dễ dàng, với người khuyết tật lại càng khó khăn gấp bội, nhưng với nỗ lực và ý chí vươn lên, Lê Thúc Vinh không những đã trụ được bằng công việc đúng chuyên môn mà còn sáng lập Trung tâm Tiếp Lửa, chuyên thực hiện dự án hỗ trợ nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật.
Theo lời hẹn, chúng tôi tìm đến văn phòng Công ty VIDOCO do Vinh thành lập, nằm trên một con đường nhỏ đông đúc của Q.Gò Vấp, TP.HCM. Hơn chục nhân viên đang ngồi trước máy tập trung làm việc, đa số đều còn rất trẻ, đến từ Nghệ An, Đắk Lắk, Phú Yên, Gia Lai…
Tuổi thơ kém may mắn
Sinh năm 1984, là con trai đầu, khi Thúc Vinh còn nhỏ thì cha mẹ đã ly hôn. Thúc Vinh ở với cha, nhưng cha cũng đi làm xa, ít có thời gian ở nhà để chăm sóc con.
Từ một cậu bé bình thường khi sinh ra, đến năm học lớp Tám, lưng Thúc Vinh bắt đầu bị còng. Năm lớp 12, nhìn cậu học sinh gầy gò, người cong như dấu hỏi, bạn bè và thầy cô thương cảm, đã hỗ trợ tiền, đưa Thúc Vinh đi điều trị ở Quy Nhơn, nhưng kết quả không khả quan.
Chứng vẹo cột sống cùng những cơn đau nhức khiến Vinh thường phải nghỉ học nên không thể thi đậu đại học.
Thời gian mày mò trên mạng, Thúc Vinh biết đến Trung tâm Nghị Lực Sống của “hiệp sĩ” công nghệ thông tin Đinh Công Hùng – cũng là một người khuyết tật (NKT), nổi tiếng về tấm gương vượt lên chính mình – và thầm nể phục anh.
Suy nghĩ phải tìm cách mở cánh cửa tương lai của mình, năm 2010, Thúc Vinh đăng ký học đại học từ xa, ngành công nghệ thông tin Trường đại học Khoa học Tự nhiên, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.
Đang học năm thứ hai, Thúc Vinh khăn gói ra Hà Nội, đến Trung tâm Nghị Lực Sống với mục đích học hỏi mô hình doanh nghiệp xã hội này. Ở đó, anh còn đảm trách dạy nghề cho các bạn mới vào học.
Năm 2013, anh Đinh Công Hùng có dự định mở rộng mô hình doanh nghiệp xã hội, nhưng anh đột ngột ra đi nên ước nguyện còn dang dở. Thúc Vinh càng có ý định tiếp nối con đường mà anh Hùng đã mở, theo cách của mình.
“Điều lớn nhất về quản trị mà tôi học được là, doanh nghiệp xã hội muốn phát triển bền vững, phải chủ động tài chính bằng khả năng của mình hơn là kêu gọi, quyên góp từ các nhà hảo tâm. Muốn vậy, hoạt động kinh doanh phải bài bản, hiệu quả” – Thúc Vinh chia sẻ.
Hành trình khởi nghiệp gian nan
Một năm sau, từ Hà Nội, Thúc Vinh chân ướt chân ráo vào Sài Gòn tìm việc làm. Nhờ cuộc phẫu thuật thành công của nhóm bác sĩ thiện nguyện, sức khỏe của Thúc Vinh khá hơn. Thời gian đầu, anh làm đủ việc để kiếm sống, từ công nhân may đến chở trái cây trên xe ba bánh đi bán dạo.
Đến năm 2015, khi hoàn thành chương trình đại học từ xa, anh bắt đầu tập trung cho công việc đúng chuyên môn bằng cách hợp tác với bạn mở công ty, sau đó “ra riêng”.
Tháng 7/2017, anh thành lập Công ty VIDOCO theo mô hình doanh nghiệp xã hội, hoạt động trong lĩnh vực SEO, marketing. Dù việc khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng anh cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ về kiến thức quản trị tài chính, nhân sự từ những người quen biết và cả khách hàng.
Do lúc còn là sinh viên, anh có xây dựng những nhóm cộng đồng chia sẻ công việc liên quan chuyên môn SEO, marketing, có lượng tương tác khá nhiều nên khi biết anh mở công ty, nhiều người tin tưởng chọn VIDOCO và còn giới thiệu những khách hàng mới.
Thành lập công ty được 6 tháng, Thúc Vinh mở lớp đào tạo nghề miễn phí đầu tiên với 10 học viên là NKT, trong đó có bốn người ở lại VIDOCO làm việc.
Cho đến nay, VIDOCO đã đào tạo ba khóa offline, mỗi khóa 10 học viên là NKT, học trong 6 tháng; đào tạo online khoảng 10 khóa, không giới hạn đối tượng, trong đó miễn phí cho NKT và sinh viên, chỉ thu phí tượng trưng với người bình thường.
Anh cho biết: “VIDOCO là nơi làm việc dành cho những cá nhân muốn làm chủ trong công việc và phát triển bản thân. Với triết lý kinh doanh dựa trên nền tảng đạo đức, VIDOCO cam kết dành 51% lợi nhuận phục vụ cộng đồng NKT”.
Trong năm tới, anh dự định sẽ đào tạo 40 học viên ở các tỉnh, thành trong cả nước để họ giúp đỡ cộng đồng NKT tại địa phương. Con số này không phải là quá nhiều, nhưng để tập hợp được NKT là cả một vấn đề bởi hiện tại, công ty chỉ mới quảng bá qua kênh bạn bè, mạng xã hội, chưa có điều kiện tiếp cận NKT ở các vùng xa.
Khó khăn lớn của việc tuyển sinh NKT, theo anh, là do NKT không dám rời khỏi gia đình, tâm lý phụ huynh cũng muốn bảo bọc con em mình như một cách bù đắp khiếm khuyết về cơ thể.
Một số người an phận với những công việc kiếm ra tiền ngay, như bán vé số hằng ngày, không cần nghĩ đến tương lai xa. Bởi vậy, điều làm anh băn khoăn là thay đổi được suy nghĩ của NKT.
Trả ơn cuộc đời
Song song với việc thành lập công ty, Thúc Vinh còn sáng lập Trung tâm Tiếp Lửa, hoạt động phi lợi nhuận với vai trò cầu nối cho NKT, tạo điều kiện cho những NKT được học nghề đến nơi đến chốn và giới thiệu việc làm cho họ.
Anh cho biết: “Tiếp Lửa là câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ hòa nhập toàn diện cho NKT, từ đó giúp họ tự tin và vươn lên, tự phát triển bản thân như những người bình thường khác”.
Tâm huyết với hoạt động hỗ trợ NKT, anh còn xây dựng những dự án phục vụ cho cộng đồng NKT thuộc nhiều lĩnh vực như đào tạo (tieplua.edu.vn), việc làm, cổng thông tin (www.tieplua.net), thương mại điện tử (tieplua.com).
Tiếp thêm động lực để anh làm việc chính là gia đình nhỏ hạnh phúc với người vợ đồng cam cộng khổ Nguyễn Thị Đông và cô con gái nhỏ 14 tháng tuổi.
Hai người quen nhau từ lúc anh ra Hà Nội học việc ở Trung tâm Nghị Lực Sống. Anh kể, để cưới được vợ cũng “trần ai” lắm, vì gia đình vợ ái ngại cho tương lai của hai NKT.
Vợ anh vốn bị chứng nhược cơ, phải di chuyển trên xe lăn. Thế mà vì yêu, khi vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng, anh mạnh dạn đưa Đông vào theo và tìm việc làm cho cô.
Những tháng ngày bấp bênh, chuyển nhà trọ liên tục đã qua khi sự nỗ lực của anh đã bắt đầu có quả ngọt. Tháng 6/2017, một đám cưới giản dị ở quê nhà trong sự chúc phúc của bạn bè, gia đình, người thân.
Giờ đây, VIDOCO là mái nhà chung của hơn 10 bạn trẻ cùng học, cùng ở, cùng sinh hoạt và làm việc. Anh kể, có phụ huynh thấy con em mình phải làm việc nhà, rửa chén, nấu cơm, đã khóc vì xót con, nhưng sau đó nghe anh giải thích, họ đã vui vẻ chấp nhận. Hạnh phúc lớn nhất của cha mẹ là thấy con mình tự lập, tự tin sống tốt, có ích cho đời. Những gì Lê Thúc Vinh đang làm cũng là để trả ơn cho cuộc đời.
Theo Thu Ngân – Phụ Nữ Online