Các nhà sản xuất đều quảng bá rầm rộ rằng sản phẩm của họ đánh tan mỡ hiệu quả, nhanh chóng và an toàn cho người tiêu dùng. Thực tế thì sao ?
Khi mới lớn, da của mỗi người đều rất săn chắc. Theo năm tháng, quá trình tích mỡ dưới da chịu ảnh hưởng của những thay đổi nội tiết (chủ yếu là nội tiết tố nữ), dinh dưỡng phức tạp. Cụ thể ở đây là ảnh hưởng tới: sự cung cấp máu và chất dinh dưỡng cho da, sự giữ nước của cơ thể, những thay đổi cấu trúc mô mỡ và mô liên kết dưới da. Sự tích mỡ sẽ càng nhiều hơn khi phụ nữ càng cao tuổi, càng tăng cân quá mức, những người có chế độ ăn uống dư thừa, uống ít nước, ít vận động hơn… Ngấn mỡ thừa thường tập trung ở đùi, mông, cánh tay và bụng… Mỡ thừa làm làn da sẽ không còn săn chắc, mịn màng nữa mà lồi lõm, chảy sệ và thân hình trở nên sồ sề, ục ịch. Điều này khiến chị em luôn cảm thấy mất tự tin về vẻ ngoài của mình, ngại giao tiếp với mọi người xung quanh… Hơn nữa, khi sở hữu cơ thể tích tụ lượng mỡ vượt mức cho phép cũng đồng nghĩa với việc sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như: tiểu đường, tăng huyết áp, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ…
Những cạm bẫy
Với nhiều chị em có thân hình mập mạp, luôn bận rộn với công việc, gia đình… không có nhiều thời gian chăm sóc bản thân, thì những lời quảng cáo về kem tan mỡ: Tiêu mỡ thần tốc hay Thoa kem vào nơi nào, mỡ sẽ tiêu tan nơi ấy; Không cần tập thể dục, không cần mát-xa, chỉ thoa kem đều đặn mỗi ngày, sẽ có một vóc dáng thon gọn…, hay Thúc đẩy nhanh quá trình đốt cháy mỡ, giúp bạn đánh bay mỡ bụng, giảm 3cm vòng eo chỉ trong 1 ngày… quá là hấp dẫn. Hàng trăm loại kem tan mỡ được quảng cáo giúp giảm cân, lấy lại vóc dáng đang bủa vây chị em. Tuy nhiên, việc dùng kem tan mỡ có tác dụng hay không thì vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Tác dụng thật vẫn còn bỏ ngỏ…
Trong các loại kem tan mỡ, thành phần chính là chất cafeine và các loại tinh dầu chiết xuất từ cây ớt cay, củ gừng, củ nghệ, sả, sáp ong tự nhiên cùng các thành phần thiên nhiên khác, được quảng bá với công dụng là có khả năng nhanh chóng thấm sâu vào lớp da, kết hợp đưa những chất khác vào để phá hủy mỡ (làm tăng tiêu thụ chất đường), kích thích đốt mỡ và thải mỡ qua đường mồ hôi và nước tiểu, ngăn ngừa tiếp nạp mỡ dư thừa vào cơ thể từ thức ăn…
Quảng bá là vậy nhưng thực tế việc dùng kem tan mỡ không hiệu quả như mong muốn mà còn gặp nhiều phiền toái. Không ít người đã chỉ ra nhược điểm của kem tan mỡ như: Tạo cảm giác nóng, ngứa ran ở vùng bụng. Không thể giảm béo một cách độc lập, nó chỉ được dùng như một phương pháp hỗ trợ, cần phải được dùng kết hợp với các phương pháp giảm cân khác. Trên thị trường, có rất nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn.
Do trong kem tan mỡ có chất kích ứng mạnh như ớt, gừng, lại bôi rộng trên vùng da mỏng nên người dùng thường bị phản ứng. Những người có làn da nhạy cảm rất dễ bị kích ứng, nhẹ thì nóng rát, ửng đỏ tại chỗ bôi, nặng hơn có thể phồng và rộp da, chảy nước và sau đó là nổi mụn. Đã có nhiều trường hợp bị dị ứng, viêm da do kem tan mỡ, phải điều trị dài ngày mới khỏi.
Thực ra việc kem bôi tan mỡ có tác dụng thế nào vẫn còn bỏ ngỏ, bởi nhiều thành phần của kem như gừng, ớt, caffeine… được công nhận là có tác dụng phân giải hay đốt cháy mỡ. Tuy nhiên, ngay cả khi điều đó đúng, các chất này cũng không thể thấm xuống các lớp mỡ sâu được. Vì thế, chuyện các tảng mỡ ở bụng, hông, đùi… mỏng đi sau khi bôi kem là rất khó. Kem tan mỡ thực ra có tác dụng làm săn da, khiến vùng da được bôi có vẻ săn chắc, gọn gàng hơn, nên nhiều người tưởng nhầm là kem đã làm tan chảy mỡ thừa. Trên thực tế, các loại kem tan mỡ chỉ có tác dụng trong thời gian rất ngắn, rồi sự tích mỡ lại diễn ra như bình thường. Ngay cả việc thoa kem và cuốn nóng cũng chỉ là làm mất nước tại chỗ. Ngay sau khi sử dụng, chị em cảm thấy mình gọn hơn, nhưng chỉ một lúc sau, cơ thể được bù đủ nước sẽ trở lại như ban đầu.
Nên cẩn trọng khi mua các sản phẩm kem tan mỡ bụng, kể cả mua từ người quen. Ngoài ra, cũng nên hiểu rằng những loại kem tan mỡ bụng chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm béo, giảm mỡ bụng tạm thời mà thôi. Cần phải kết hợp với chế độ ăn uống và tập thể dục mới có hiệu quả. Tuyệt đối không sử dụng các loại dược mỹ phẩm không nguồn gốc và chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Nguồn:Phương Trà – Sức Khỏe và Đời Sống