Câu chuyện của Kim Vân từ UPSHIFT
Tác giả: Thu Trần (Điều phối viên UPSHIFT) & Đài Cao (Hỗ trợ viên UPSHIFT)
Tôi vẫn còn nhớ cuộc gặp gỡ đầu tiên với Kim Vân – Nhóm trưởng nhóm dự án hỗ trợ người khuyết tật tham gia giao thông công cộng – khi chúng tôi tổ chức buổi hướng dẫn tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật – Disability Research & Capacity Development (DRD Vietnam). Kim Vân bị yếu chi và phải di chuyển bằng xe lăn, nhưng tràn đầy tự tin và tâm huyết chia sẻ về câu chuyện và ước mơ của mình. Sức mạnh nội tại và động lực rõ ràng đã cho thấy Kim Vân chính là đối tượng lý tưởng của UPSHIFT – một cô gái trẻ với quyết tâm, nhiệt huyết và sự tập trung cao độ nhằm đạt được cơ hội biến ước mơ thành hiện thực.
Chặng đường xa nhà: một mình vào Tp.Hồ Chí Minh
Quê Kim Vân ở tận Quảng Nam, cách Tp.Hồ Chí Minh hơn 800 cây số. Gia đình em vừa khó khăn, vừa có hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Cả Vân và anh trai đều là người khuyết tật vận động từ khi còn rất nhỏ do bị nhiễm virus bại liệt (Polio). Tình trạng yếu chi của Vân ngày càng trầm trọng hơn và có dấu hiệu yếu dần toàn thân, giống như anh trai Vân.
Hạn chế trong việc đi lại, sức khỏe không tốt nên Vân đã gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và học tập. Lúc còn ở quê, đã nhiều lần Vân muốn bỏ dở việc học vì thương bố mẹ ngày nào cũng phải cõng em đến trường, trong khi mỗi cấp học trường lại thêm xa. Nhưng rồi, vượt lên hoàn cảnh và mặc cảm của bản thân, Vân luôn cố gắng phấn đấu học thật chăm chỉ và luôn là học sinh khá giỏi suốt 12 năm.
Khi Vân thi đại học nhưng lại không đậu vào ngành em mong muốn. Mặc dù rất thất vọng về bản thân, Vân vẫn nhanh chóng lấy lại tinh thần và nỗ lực tự ôn thi lần nữa. Lần này, cố gắng của em đã được đền đáp, em đã đậu vào khoa Tâm lý học – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn theo đúng nguyện vọng của mình.
Sau rất nhiều nỗ lực thuyết phục, cuối cùng bố mẹ đã đồng ý cho Vân một mình vào Tp.Hồ Chí Minh theo học đại học, một bước tiến lớn đến gần ước mơ của em.Sau gần 2 năm ở Ký túc xá, Vân đã chứng minh được khả năng tự lập của mình trong cuộc sống và học tập. Đối với Vân, sự quan tâm và sẵn lòng giúp đỡ của bạn bè chính là nguồn động lực to lớn giúp Vân vượt qua mọi thử thách hàng ngày để học tập và thực hiện ước mơ của mình.
Những khó khăn của người khuyết tật trong cuộc sống
Khi tôi hỏi Vân về những khó khăn của em, em chia sẻ chân thành và đầy lạc quan. Em nhận thấy mỗi dạng khuyết tật có những khó khăn khác nhau, nhưng nhìn chung người khuyết tật khó khăn trong cuộc sống là vì họ có ít cơ hội hòa nhập như người bình thường. Bản thân Vân cũng đã phải đối mặt với sự kỳ thị, định kiến và thiếu đồng cảm từ những người xung quanh. Trước khi biết và tham gia DRD, Vân không khỏi mặc cảm khi giao tiếp với mọi người. Nhưng rồi trong quá trình sinh hoạt tại đây, Vân đã kết nối và chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ, có điều kiện để học hỏi và tiếp cận với những cơ hội như UPSHIFT.
Kim Vân ở phía bên trái trong buổi hướng dẫn tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật – Disability Research & Capacity Development (DRD Vietnam), Quận 9, Tp.HCM UPSHIFT Outreach
UNICEF\Innovations Lab Ho Chi Minh
Kim Vân ở phía bên trái trong buổi hướng dẫn tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật – Disability Research & Capacity Development (DRD Vietnam), Quận 9, Tp.HCM UPSHIFT Outreach
Kim Vân mặc áo thun xanh ở giữa, hàng đầu tiên trong buổi hướng dẫn tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật – Disability Research & Capacity Development (DRD Vietnam), Quận 9, Tp.HCM UPSHIFT Outreach
UNICEF\Innovations Lab Ho Chi Minh
Kim Vân mặc áo thun xanh ở giữa, hàng đầu tiên trong buổi hướng dẫn tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật – Disability Research & Capacity Development (DRD Vietnam), Quận 9, Tp.HCM UPSHIFT Outreach
Ước mơ giúp đỡ người khuyết tật
Ước mơ đẹp đẽ của Vân đó là có thể hỗ trợ người khuyết tật vượt qua những khó khăn trong việc di chuyển mà họ phải đối mặt hàng ngày để có thể hòa nhập vào đời sống cộng đồng. Vân hiểu rằng khó có thể thay đổi cơ sở hạ tầng được thiết kế riêng cho người khuyết tật trong ngày một ngày hai, nên em đã chọn một giải pháp thiết thực và đầy tính nhân văn: vận động sức mạnh từ cộng đồng, với những kỹ năng cần thiết, có thể giúp đỡ người khuyết tật tham gia giao thông công cộng. Vân muốn nâng cao nhận thức về những khó khăn của người khuyết tật mà chính em đã trải nghiệm, đồng thời hướng dẫn cách bày tỏ sự cảm thông và kỹ năng giúp đỡ người khuyết tật, để tất cả cùng nhau làm nên sự khác biệt tích cực cho cộng đồng.
Khao khát giúp đỡ người khuyết tật đó được truyền cảm hứng từ chính trải nghiệm của bản thân Vân. Vân đã không thể nào tiếp cận rất nhiều địa điểm trong thời gian học Đại học nếu không có sự giúp đỡ của bạn bè. Vì thế, em tin rằng khi người khuyết tật được hỗ trợ và không ngại cất lời, đồng thời khi người thường có đủ kỹ năng giúp đỡ người khuyết tật thì những trở ngại trong việc di chuyển sẽ được giải quyết. Không chỉ thế, thông qua dự án, em còn hy vọng các bạn trẻ nhận thức rõ hơn về vai trò và ý nghĩa xã hội khi giúp đỡ người khuyết tật và cả những số phận kém may mắn được hòa nhập cuộc sống.
Đến với UPSHIFT để hiện thực hóa ước mơ?
Vân nói với tôi em cảm thấy rất vui và tự hào khi UPSHIFT đã cho em cơ hội theo đuổi ước mơ. Em còn nhấn mạnh rằng những kỹ năng được học tại UPSHIFT như cách ứng xử, giao tiếp, cách xây dựng dự án, lên kế hoạch…đã tạo ra ảnh hưởng to lớn đối với dự án của em. Vân đã thể hiện sự nhiệt tình và quyết tâm thực hiện dự án trong suốt đợt huấn luyện chuyên sâu, và hy vọng rằng, em vẫn giữ được ngọn lửa ấy trong quá trình triển khai dự án.
Cuối cùng, tôi hỏi Vân có muốn gửi lời nhắn đến các bạn trẻ không. Em lại nghĩ ngay đến các bạn khiếm thị, tôi xin trích nguyên văn lời em: “Góc nhìn bạn chỉ một màu đơn điệu. Xung quanh bạn triệu triệu người tin yêu. Các bạn sống hết mình với ngọn lửa trong tim, hơn ai hết các bạn là người đẹp nhất”.
Nguồn: unicef