25 năm bị liệt nửa người vì chấn thương cột sống, nhưng bằng ý chí, sự lạc quan, ông Phạm Thanh Sơn (51 tuổi) không chỉ lo cho mình có cuộc sống đàng hoàng, có thu nhập ổn định, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật.
Từ hai năm trở lại đây, ông Phạm Thanh Sơn trở thành “hiệp sĩ” của những người đồng bệnh như mình. Ông truyền lửa, đích thân đến từng nhà để thăm hỏi, động viên và có những giúp đỡ thiết thực cho những người rơi vào bế tắc.
Ấm áp những chiếc nệm
Ngày còn ở tuổi xuân, sau một cú nhảy xuống hồ nước cạn trong lần đi chơi cùng bạn bè ở Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu), ông Sơn bị chấn thương cột sống. 25 năm nếm trải nỗi khổ của người đồng cảnh như mình nên ông rất hiểu. “Sợ nhất của người bị cột sống là loét. Vì mất cảm giác nên chỉ cần một vết phồng rộp nhỏ, người bệnh có thể bị lở loét nghiêm trọng, gây hoại tử” – ông Sơn tâm sự.
Từ hai năm nay, ông bắt đầu với việc mỗi tháng góp vài triệu đồng, kêu gọi mọi người ủng hộ tiền mua tặng nệm chống lở loét cho những người bị chấn thương cột sống khắp cả nước, đến nay đã được trên 300 tấm với số tiền khoảng 250 triệu đồng.
Sau khi bị nạn, những người bị chấn thương khá suy sụp, dễ mất phương hướng và sinh ra cáu gắt, chán nản. Có người lâm vào cảnh gia đình tan nát, ly tán. “Họ rất cần sự động viên, chia sẻ và khơi lại cuộc sống” – ông nói. Do đó, dù phải ngồi trên xe lăn, di chuyển khó khăn nhưng gần đây ông Sơn ra miền Trung, lên Tây Bắc, về miền Tây để gặp gỡ, tâm sự với những thành viên trong CLB Chấn thương cột sống Việt Nam.
Hè 2019, ông ra Quỳnh Lưu (Nghệ An) để đến thăm một bạn bị chấn thương cột sống. Cảm nhận cái nóng của miền Trung, ông hiểu thêm nỗi vất vả, cơ cực của những người gặp bệnh này khi sống trong điều kiện nóng bức. Mới đây ông lại đi Bến Tre, Đắk Lắk gặp gỡ, kết nối với hơn chục người bệnh.
“Tôi muốn đi, đi để kết nối anh em ngoài đời chứ không phải qua mạng xã hội. Người đồng tật với nhau, gặp mặt nhau dễ sẻ chia những điều thầm kín, dễ thân thiện với nhau. Khi hiểu rõ hoàn cảnh, tâm tư thì mới biết mình có thể đồng hành được gì cho họ” – ông bày tỏ.
“Nhắc đến chú Sơn, tôi thấy mình lạc quan hơn”
“Chú Sơn đem lại cho tôi nhiều cảm xúc. Đó là thân quen, thiện cảm, sẻ chia. Nhắc đến chú Sơn, tôi thấy trong lòng mình luôn lạc quan. Tôi sống lại cuộc đời của mình đúng nghĩa từ khi gặp chú ấy” – anh Nguyễn Minh Triết (28 tuổi, ở Chợ Gạo, Tiền Giang) tâm sự.
Năm 2013, anh Nguyễn Minh Triết không may bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương cột sống. Việc này khiến Triết rất tuyệt vọng. “Lúc đó tôi không thiết tha gì với cuộc sống, gần như mất niềm tin cuộc sống” – Triết nhớ lại.
Nhưng một hôm, khi đang nằm rầu rĩ, chán nản trên giường, anh Triết nghe được câu chuyện về ông Phạm Thanh Sơn trên truyền hình. Đó là câu chuyện về một người liệt nửa người vì chấn thương cột sống nhưng đã vươn lên trở thành giám đốc Công ty TNHH sản xuất phần mềm máy tính ASA ở Vũng Tàu.
Anh Triết bật dậy. Những hình ảnh, câu chuyện về ông Sơn đã truyền cảm hứng và tinh thần cho anh. Khoảnh khắc nhìn thấy, nghe thấy ông Sơn trên tivi đã làm thay đổi suy nghĩ của Triết và đổi thay cuộc đời của anh sau này.
Anh Triết tìm thông tin về Công ty ASA, về ông Phạm Thanh Sơn. “Càng đọc, càng tìm hiểu về chú ấy, tôi càng được tăng thêm sức sống” – anh Triết nói. Rồi anh gửi email đến Công ty ASA. Và thật bất ngờ, ông Sơn đã chủ động gọi điện lại cho Triết. “Tôi ngạc nhiên vô cùng. Không ngờ chú ấy lại gọi cho tôi. Chú ấy nhẹ nhàng, tình cảm, thấu hiểu, làm cho tôi có cảm giác là một người thân quen từ trước. Tôi thấy cuộc đời lạc quan lên” – anh Triết kể.
Sau đó, ông Sơn đã động viên, hỗ trợ tiền cho anh Triết đi viện phục hồi chức năng. Biết Triết trước đây có học qua về máy tính, ông Sơn đã cho anh tiền để đi học tiếp. Hiện anh Triết nhận việc tự do quảng cáo bán hàng trên mạng Internet. Tuy thu nhập chưa cao nhưng anh có tiền để mua xe ba bánh đi lại.
Từ một thanh niên chán nản, mất niềm tin, bây giờ anh Triết đã tìm lại ý nghĩa của sự sống. “Hiện tại tôi thấy bản thân mình như được sống lại. Sau khi gặp chú Sơn, thực sự tôi như được hồi sinh. Từ phục hồi sức khỏe, niềm tin cuộc sống, tinh thần, công việc. Quan trọng nhất là cảm giác được làm việc, được sống hòa nhập chứ không phải sống thừa thãi” – anh Triết xúc động.
Một mảnh đời khác – anh Nguyễn Xuân Khánh (36 tuổi, ở xã Đliê Ya, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) – cũng được ông Phạm Thanh Sơn giúp đỡ, tìm lại ý nghĩa của cuộc sống. Cách đây hai năm, anh Khánh bị tai nạn, gãy cột sống dẫn đến liệt nửa người. Từ một thanh niên mạnh khỏe, anh Khánh nằm liệt một chỗ, mọi chuyện đều phải nhờ người thân trong gia đình, thân thể bị loét nghiêm trọng. Anh đã tính tự tử mấy lần.
Năm 2018, anh vào hội của những người chấn thương cột sống trên mạng và xin ông Sơn một tấm nệm chống loét. Được những người đồng bệnh giúp thuốc, được ông Sơn tặng tấm nệm, anh Khánh trị được vết loét. Ông Sơn liên lạc, trò chuyện để động viên Khánh trong những ngày anh bi quan.
Trước tiên, ông Sơn dạy anh cách lên xuống xe lăn, tự vào nhà vệ sinh. Và anh Khánh đã làm được. Sau đó, ông Sơn nói với Khánh phải làm xe ba bánh để đưa hai con đi học, nuôi dạy hai con, để ra đường hòa nhập.
Và chính ông Sơn đã giúp anh Khánh tiền để làm xe ba bánh. Tháng 10-2018, xe làm xong, anh Khánh tập lên xuống xe 10 ngày thì tự đưa hai con mình đi học.
Chưa hết, ông Sơn còn gửi tiền cho Khánh để mua máy móc làm cơ khí. Đến nay, anh Khánh làm được giàn phơi quần áo, kệ giày dép, chuồng chó… để bán. “Thu nhập không nhiều nhưng tôi rất vui. Nếu không gặp anh Sơn, chả biết cuộc đời tôi sẽ ra sao. Tôi xem anh ấy là người sinh ra mình lần thứ hai” – anh Khánh tâm sự.
Còn rất nhiều người được ông Phạm Thanh Sơn giúp đỡ, động viên như anh Phạm Nhất Huy ở Thái Bình, anh Nguyễn Thái Sơn ở Hưng Yên, anh Lê Tâm ở Bến Tre, anh Huỳnh Thiện ở Đồng Nai, anh Hồ Quang Thương ở Đắk Lắk…
Thoát khỏi “vỏ ốc” của mình
Năm 2001, ông Sơn viết phần mềm kế toán “Hệ thống quản lý kế toán ASA” cho công ty cũ và có người mua với giá 6 triệu đồng. Tháng 12-2004, Cục Bản quyền tác giả đã chứng nhận sản phẩm “Hệ thống quản lý kế toán ASA” cho tác giả chủ sở hữu Phạm Thanh Sơn. Cùng năm đó, ông được tạp chí tin học eChíp tặng danh hiệu “Hiệp sĩ công nghệ thông tin”. Năm 2008, ông chính thức thành lập Công ty TNHH sản xuất phần mềm máy tính ASA. Hiện 10 nhân viên của Công ty ASA hầu hết là những người khuyết tật. Thu nhập mỗi năm của công ty từ 700-800 triệu đồng.
Tháng 10-2018, CLB Chấn thương cột sống VN được thành lập mà ông Phạm Thanh Sơn hiện là phó chủ nhiệm. “Quan trọng nhất của những người chấn thương cột sống là hòa nhập, thoát khỏi “vỏ ốc” của chính mình. Phải đi ra ngoài thì mới có việc làm, mới thấy được cuộc đời còn nhiều ý nghĩa, còn nhiều điều tốt đẹp để không mặc cảm, tự ti về bản thân” – ông Sơn nói.
Nguồn: Báo Vũng Tàu