Hội chứng ngưng thở khi ngủ là tình trạng hơi thở bị gián đoạn trong giấc ngủ. Những khoảng ngưng thở này ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và làm cho trẻ cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày, thậm chí tác động đến hành vi của trẻ. Các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 1 đến 5 % trẻ em bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Các nghiên cứu cho thấy do Hội chứng này tương đối hiếm gặp ở trẻ, vì vậy các bác sĩ Nhi rất dễ bỏ sót nó.
Có hai loại ngưng thở khi ngủ: Ngưng thở do tắc nghẽn đường thở và ngưng thở do nguyên nhân trung ương. Đối với ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, trẻ không thể thở do đường thở bị hẹp hay co thắt. Đối với ngưng thở khi ngủ do trung ương, nguyên nhân chính là do trẻ “không cố gắng” thở vì một bệnh lý nào đó tại hệ thần kinh trung ương. Tương tự ở người lớn, ngưng thở khi ngủ do tắt nghẽn thường gặp nhiều hơn.
Hiểu biết về những nguyên nhân, triệu chứng của Hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ có thể giúp ích các cha mẹ trong việc cải thiện giác ngủ ở trẻ và ý thức hơn trong việc đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa Nhi. Tại đây, các bác sĩ sẽ tìm cách chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Nguyên nhân gây Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em
Có rất nhiều nguyên nhân gây Hội chứng này, có thể kể đến những nguyên nhân thường gặp:
*Phì đại Amidan và VA: Một trong những nguyên nhân được công nhận rộng rãi cho Hội chứng này là phì đại Amidan và VA. Amidan và VA là các tuyến nằm phía sau họng, đóng vai trò trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Chúng có thể to ra do di truyền, do viêm nhiễm, do nhiễm trùng thường xuyên. Khi chúng to ra, các tuyến này làm hẹp đường thở, từ đó làm cho trẻ khó thở hơn khi ngủ.
*Béo phì: Hội chứng ngưng thở lúc ngủ do tắc nghẽn xảy ra ở 60% trẻ béo phì vì tình trạng này cũng có thể gây hẹp đường thở khi ngủ.
Các nguyên nhân khác: Bao gồm:
– Khi trẻ có hàm dưới nhỏ, răng cửa nhô ra phía trước.
– Có sử dụng thuốc an thần.
– Cơ lưỡi và họng bị yếu trong hội chứng Down hay Bại não.
– Viêm mũi dị ứng, sống gần người lớn hút thuốc.
– Sống trong gia đình có tiền sử có người bị ngưng thở lúc ngủ do tắc nghẽn cũng là những yếu tố nguy cơ thường gặp cho trẻ bị hội chứng này.
Nguyên nhân gây Ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân trung ương ở trẻ
Hội chứng này có thể xảy ra do nhiều lý do ở trẻ em. Hội chứng này có liên quan đến một số rối loạn di truyền hiếm gặp ở trẻ em, như Hội chứng tăng thông khí trung ương bẩm sinh. Thỉnh thoảng cũng gặp ở những trẻ có những bệnh lý làm ảnh hưởng đến các bộ phận trong hệ thần kinh trung ương có nhiệm vụ điều phối hơi thở. Chúng ta cũng cần chú ý rằng, trong một số ít trường hợp, việc trẻ ngưng thở trong lúc ngủ do nguyên nhân trung ương được cho là bình thường.
Triệu chứng của Ngưng thở khi ngủ là gì?
Ngáy là triệu chứng đặc trưng của Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ ngáy đều bị hội chứng này và không phải tất cả trẻ có Hội chứng này đều ngáy. Chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới có thể xác định điều này.
Ngoài ngáy, Hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ có các triệu chứng khác trong lúc ngủ bao gồm:
-Thở bằng miệng khi ngủ.
-Ho hoặc nghẹt mũi.
-Đổ mồ hôi đêm.
-Mộng du.
-Nói mớ.
-Giấc ngủ kinh hoàng (sleep terrors).
-Đái dầm.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ còn gây ra những triệu chứng có hại lúc trẻ thức dậy, bao gồm:
-Ngủ gật ban ngày.
-Khó tập trung.
-Những bất thường về hành vi có biểu hiện giống Hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD), như tăng động, nổi loạn, bốc đồng…
-Đau đầu vào buổi sáng.
-Tâm trạng cáu gắt.
-Khó kiểm soát cảm xúc.
Làm sao để chẩn đoán Hội chứng ngưng thở lúc ngủ?
Đầu tiên, bác sĩ sẽ thu thập những thông tin từ trẻ và ba mẹ hay người sống cùng trẻ về thói quen giấc ngủ của trẻ và khai thác những triệu chứng cả ban đêm lẫn ban ngày. Ngoài ra, bác sĩ sẽ tiến hành khám cho trẻ ở miệng, cổ, họng để tìm ra những đặc điểm trên cơ thể trẻ mà có thể là nguyên nhân gây ngưng thở (như phì đại amidan).
Khi việc đánh giá ban đầu này cần phải thực hiện thêm các xét nghiệm thích hợp, chuyên gia có thể đề nghị đo Đa ký giấc ngủ (Polysomnography). Đo đa ký giấc ngủ sẽ được tiến hành qua đêm ở cơ sở y tế có trang bị dụng cụ. Thủ thuật này sẽ đo một số thông số sức khỏe đặc hiệu khi trẻ đang ngủ, nó không gây đau và không xâm lấn cơ thể trẻ. Thủ thuật này chính là tiêu chuẩn vàng đề chẩn đoán Hội chứng ngưng thở khi ngủ vì nó sẽ cho kết quả chắc chắn nhất.
Những bài test giấc ngủ tại nhà hiện không còn được khuyến cáo trên trẻ em, theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ và Viện Hàn lâm Y học giấc ngủ Hoa Kỳ.
Điều trị Hội chứng ngưng thở lúc ngủ như thế nào?
Việc điều trị Hội chứng này sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiên trọng của các triệu chứng. Điều này sẽ được thảo luận kỹ giữa bác sĩ và cha mẹ trẻ:
Cắt bỏ Amidan và VA: Ngưng thở khi ngủ do phì đai các tuyến này có thể điều trị bằng việc cắt bỏ các tuyến này.
Trị liệu chức năng cơ hầu họng: Các bài tập ở miệng và họng đã được chứng minh cải thiện Hội chứng ngưng thở khi ngủ và ngáy ở trẻ.
Chỉnh nha: Các khí cụ cố định mang trong miệng (có tác dụng nong rộng hàm trên sang chiều ngang) và dụng cụ đẩy hàm dưới là các biện pháp chỉnh nha được sử dụng để tạo thêm không gian trong miệng, từ đó cải thiện dòng khí khi đi qua đường thở ở trẻ.
CPAP (Thở áp lực dương liên tục): Là một dụng cụ bơm liên tục không khí vào đường thở. Trẻ sẽ đeo mặt nạ gắn vào máy bơm CPAP khi ngủ. Điều này có thể gây khó chịu lúc đầu ở trẻ và cần thời gian thích nghi.
Điều trị viêm mũi dị ứng, viêm xoang: sử dụng các loại thuốc chống dị ứng, rửa mũi, xịt mũi có thể giúp cải thiện ở trẻ ngưng thở lúc ngủ với các triệu chứng ở mức độ nhẹ.
Ngoài ra, ở trẻ có các triệu chứng rất nhẹ hay không có triệu chứng có thể chỉ cần theo dõi và không cần điều trị đặc hiệu. Cha mẹ có thể hỗ trợ trong quá trình theo dõi về điều chỉnh thói quen ngủ tốt, theo dõi sát triệu chứng và thông báo cho bác sĩ khi cần.
Những biện pháp hỗ trợ cải thiện Hội chứng ngưng thở lúc ngủ
Có nhiều phương pháp rất có ích trong việc cải thiện Hội chứng này mà cha mẹ trẻ có thể thực hiện tại nhà cùng với sự hỗ trợ của các bác sĩ chuyên khoa.
Giảm cân: Ở trẻ béo phì và có ngưng thở lúc ngủ, việc giảm cân sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng. Bác sĩ sẽ hỗ trợ đưa ra chế độ ăn lành mạnh và kế hoạch tập luyện thể dục. Tuy nhiên, việc giảm cân cần thời gian, nên cha mẹ và trẻ cần kiên trì.
Tránh các tác nhân gây dị ứng: Việc tìm hiểu các chất có thể gây viêm mũi dị ứng ở trẻ sẽ rất có ích vì viêm mũi dị ứng sẽ gây tắc nghẽn đường thở.
Tập luyện thở bằng mũi: Đây là một trị liệu nhằm mục đích tăng sức mạnh cơ lưỡi và các cơ xung quanh, giúp trẻ thở hiệu quả hơn vào ban đêm.
Liệu pháp tư thế: Giúp trẻ ngủ đúng tư thế. Nó có ích ở những trẻ ngưng thở khi ngủ chỉ khi trẻ nằm ngửa lúc ngủ. Nâng cao đầu giường sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng khi ngủ ở trẻ.
Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Ngưng thở khi ngủ ở trẻ cũng có sự khác biệt so với người lớn. Dù đều gây ra giấc ngủ kém chất lượng, nhưng biểu hiện triệu chứng ban ngày ở hai đối tượng có sự khác biệt. Người lớn thường biểu hiện buồn ngủ và mệt mỏi, trong khi trẻ em thường biểu hiện các vấn đề về hành vi như khó tập trung và tăng động. Việc điều trị cũng khác nhau, trong khi ở người lớn phương pháp thường sử dụng là CPAP, ở trẻ em phổ biến nhất là phẫu thuật. Ở trẻ đang phát triển nhanh, các phương pháp chỉnh nha là khá phù hợp nhưng đây không phải là lựa chọn dành cho người lớn. Vì sự khác biệt này, cần có sự thảo luận kỹ lưỡng giữa cha mẹ trẻ, các bác sĩ và chuyên gia để chẩn đoán và điều trị thật phù hợp.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ thực sự là “kẻ thù” cho giấc ngủ của trẻ, vì vậy cha mẹ hãy đến cơ sở y tế khi trẻ có các triệu chứng bất thường giấc ngủ. Một chú ý cần nói thêm, khi trẻ đang có điều trị tâm lý hay tâm thần, những vấn đề liên quan tới hành vi, hãy xem xét xem trẻ có rối loạn giấc ngủ như Hội chứng ngưng thở đi kèm hay không. Vì khi trẻ không được ngủ ngon, trẻ thường có biểu hiện khó tập trung, cáu kỉnh và kém kiểm soát hành vi.
Theo: BS Lê Việt Cường – Tạp chí Sức Khỏe