Sáng 14/10, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Bắc Kạn tổ chức hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu tỉnh lần thứ II, giai đoạn 2015-2020.
Đến dự với hội nghị, về phía Trung ương có đồng chí Lương Phan Cừ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết và Trẻ mồ côi Việt Nam. Về phía tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Huy Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Triệu Thế Khôi, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và hơn 60 gương mặt tiêu biểu đại diện cho hàng nghìn người khuyết tật, trẻ mô côi trên địa bàn tỉnh.
Trong 5 năm qua, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh đã vận động được trên 6,9 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ trên, tỉnh Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế. Hội đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân trao tặng 680 xe lăn, xe lắc cho Người khuyết tật với trị giá 1,151 tỷ đồng; 340 xe đạp cho học sinh khuyết tật mồ côi, nghèo trị giá 598 triệu đồng; 255 xuất học bổng trị giá 220 triệu đồng, cùng với nhiều hình thức tặng quà, cấp phát thuốc miễn phí, hỗ trợ sinh kế thông qua ngân hàng bò và các hình thức tài trợ khác.
Ngoài hoạt động trợ giúp về vật chất, Hội cũng quan tâm đến tinh thần của các đối tượng Người khuyết tật, năm 2019 hưởng ứng Hội thi “Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc” lần thứ II do Trung ương Hội tổ chức, tỉnh Hội đã tuyển chọn, tập luyện và đưa đội tuyển là Người khuyết tật tham gia hội thi khu vực phía Bắc tại Thủ đô Hà Nội, kết quả đoàn Bắc Kạn đạt 01 huy chương Bạc và được tặng bằng khen của Trung ương Hội. Ngoài ra, để nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của Người khuyết tật, chính sách của Nhà nước đối với Người khuyết tật và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân đối với Người khuyết tật, Hội đã phối hợp với Đài phát thanh – truyền hình tỉnh tuyên truyền Luật Người khuyết tật trên sóng truyền hình tỉnh và tổ chức tuyên truyền các chính sách học nghề đối với Người khuyết tật, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng tin bài, chương trình phóng sự phản ánh các hoạt động tiêu biểu về gương Người khuyết tật, trẻ mồ côi học tập, công tác và làm kinh tế giỏi nhân rộng các điển hình tiên tiến trong cộng đồng xã hội.
Sự quan tâm thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng hành sẻ chia của các doanh nghiệp và những tấm lòng thiện nguyện cùng sự đồng thuận của xã hội, sự quyết tâm vươn lên vượt qua bệnh tật, số phận, trong giai đoạn 2015-2020 đã có hàng nghìn người khuyết tật trong tỉnh vượt khó vươn lên thoát nghèo. Nhiều người khuyết tật, trẻ mồ côi đã vượt khó vươn lên trở thành chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho mình và người đồng cảnh. Nhiều trẻ mồ côi vượt lên số phận, vươn lên học tập, rèn luyện, trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân có ích.
Với những thành tích đã đạt được trong 5 năm qua, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh được tặng 8 Bằng khen của Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, trong đó có 02 bằng khen tập thể, 6 bằng khen cá nhân và 12 Bằng khen của UBND tỉnh, trong đó, có 03 bằng khen tập thể, 9 bằng khen cá nhân.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chúc mừng, biểu dương và ghi nhận những kết quả mà Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh đã đạt được. Nhất là những người khuyết tật, trẻ mồ côi đã nỗ lực vượt qua khó khăn vươn lên làm chủ cuộc sống, trở thành những người có ích cho xã hội, là niềm tự hào của gia đình, quê hương, đất nước, tạo sự lan tỏa ra toàn xã hội. Đồng thời ghi nhận, cảm ơn những tấm lòng cao quý, tinh thần trách nhiệm của người bảo trợ và các tổ chức, cá nhân trong nước, trong tỉnh đã luôn dành tình cảm hỗ trợ, giúp đỡ, chăm sóc người khuyết tật, trẻ mồ côi, những người có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng chí đề nghị thời gian tới, các cấp Hội cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan đến người khuyết tật, trẻ mồ côi như Luật Người khuyết tật, Chỉ thị 39/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác người khuyết tật; Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em; các văn bản lãnh, chỉ đạo của tỉnh đối với công tác bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi… nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, từ đó có quan tâm chia sẻ, có trách nhiệm và đồng hành cùng người khuyết tật, trẻ mồ côi.
Đối với các nhà bảo trợ, việc đề nghị giúp đỡ cần xuất phát từ thực chất, cần đẩy mạnh hoạt động vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhân lên những tấm lòng nhân ái để xây dựng nguồn quỹ hội. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các cấp hội, nhân rộng các điển hình tiên tiến, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tạo điều kiện để các điển hình phát huy tác dụng và có sức lan tỏa rộng lớn trong xã hội cũng như đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài để trẻ khuyết tật, mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt được đến trường. Đồng chí cũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể của các địa phương cần có cách làm năng động, sáng tạo để toàn xã hội hướng về cơ sở chăm lo cho những người yếu thế trong xã hội. Đồng chí mong Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam tiếp tục quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để phong trào thi đua yêu nước của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh tiếp tục phát triển, thu được nhiều kết quả tích cực…
Tại hội nghị, đã có 64 cá nhân, tập thể là những bông hoa tiêu biểu đại diện cho hơn 6000 người khuyết tật và gần 1.000 trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh được tôn vinh tặng bằng khen, giấy khen của Trung ương hội và của UBND tỉnh.
Nguồn: Thương Thương – Sở Nội Vụ