Ngày 29 tháng 6 năm 2010, Chủ tịch Nước đã ký lệnh công bố Luật người khuyết tật và Luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Luật người khuyết tật ra đời đã được nhân dân và cộng đồng người khuyết tật đón nhận trong niềm vui, niềm hạnh phúc. Và ngày 18/4 hàng năm đã được chọn là ngày người khuyết tật (NKT) Việt Nam.
Theo thống kê, toàn huyện Thường Tín có khoảng 6000 người khuyết tật ở các dạng tật khác nhau. Thực hiện Luật người khuyết tật và đề án trợ giúp người khuyết tật, trong những năm qua, huyện Thường Tín đã thường xuyên, kịp thời kiểm tra, rà soát việc thực hiện chính sách cho người khuyết tật, gia đình có người khuyết tật nhằm động viên khích lệ các đối tượng vươn lên hoà nhập cộng đồng. Đến nay, huyện có 5.857 đối tượng khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 641 NKT nặng là trẻ em dưới 16 tuổi và người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, có 71 NKT đặc biệt nặng là trẻ dưới 16 tuổi và người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, có 342 gia đình nuôi dưỡng NKT đặc biệt nặng đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.
Đối với người bị khiếm thị, UBND huyện chỉ đạo Hội Người mù huyện duy trì cho 27 hộ vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm theo kênh của Trung ương Hội Người mù Việt Nam và kênh của Thành phố Hà Nội với số tiền hơn 610 triệu đồng; duy trì 06 cơ sở tẩm quất, xoa bóp (do người mù làm chủ) đảm bảo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho 24-26 hội viên. Đẩy mạnh hoạt động của Hợp tác xã Tấm lòng vàng tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên.
Vào các ngày người khuyết tật Việt Nam, ngày Quốc tế người khuyết tật, UBND huyện luôn dành những phần quà ý nghĩa tặng cho các hộ gia đình người khuyết tật; chỉ đạo Phòng Lao động Thương binh và xã hội, Trung tâm Văn hóa Thông Tin và Thể thao phối hợp với UBND các xã tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về lĩnh vực người khuyết tật bằng nhiều hình thức sinh động và thiết thực, tiếp tục phổ biến Luật người khuyết tật và các chính sách liên quan đến người khuyết tật. Hỗ trợ việc thành lập và hoạt động của các tổ chức tự lực của người khuyết tật về dạy nghề, sản xuất kinh doanh tạo việc làm, các hoạt động văn hoá, tinh thần… để họ tự khẳng định mình, tự tin hơn và hỗ trợ nhau trong cuộc sống.
Được thành lập năm 2016, hiện nay, hội NKT huyện có gần 300 hội viên. Từ khi thành lập cho đến nay, Hội người khuyết tật huyện đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ tập hợp, chăm lo đời sống cho người khuyết tật. Tham mưu thực hiện công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em, đặc biệt quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi; Vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện tặng quà và hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật trên địa bàn huyện để kịp tời động viên cho các em cả về vật chất và tinh thần.
Năm 2018, Hội Khuyết tật huyện Thường Tín phối hợp với Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam, Tổ chức Cyclist for Cultural Exchange, Tổ chức hỗ trợ nhân đạo cho trẻ em Việt Nam, Phòng Lao động Thương binh xã hội huyện Thường Tín tổ chức chương trình trao tặng 10 xe đạp cho các trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Thường Tín; ra mắt Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật huyện được thành lập với 30 hội viên, có nhiệm vụ chăm lo và bảo vệ quyền lợi của chị em phụ nữ giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên và hòa nhập tốt vào cộng đồng. Câu lạc bộ còn là địa điểm tin cậy kết nối những mảnh đời khiếm khuyết, giúp đỡ các chị vươn lên trong cuộc sống, hướng tới một xã hội hòa nhập, không rào cản và vì quyền của phụ nữ khuyết tật;tổ chức khai giảng 2 lớp nghề thêu tay truyền thống cho 50 hội viên người khuyết tật.
Cùng với các hoạt động hỗ trợ về vật chất, các cấp, ngành trong huyện, đã tổ chức nhiều chương trình tọa đàm, giao lưu văn nghệ… nhằm tạo sân chơi lành mạnh, giúp cho NKT được hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần, tiếp sức cho họ vượt qua mặc cảm để cố gắng vươn lên trong cuộc sống…
Có thể nói, ngày NKT 18/4, là dịp để tổ chức Đoàn, Hội và toàn xã hội tiếp tục thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành và hỗ trợ cho người khuyết tật trong cuộc sống, đặc biệt là việc đào tạo, dạy nghề, tư vấn tuyển dụng lao động, tư vấn về kỹ năng sống… Từ đó, người khuyết tật có thêm niềm tin, bản lĩnh, nghị lực để vượt qua những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống và vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Nguồn: Thanh Tân – Báo Hà Nội