Trĩ là bệnh lý của đường tiêu hóa phổ biến ở người lớn, tỷ lệ bệnh lưu hành từ 25 – 40% dân số. Tỷ lệ hiện mắc ở cả hai giới là ngang nhau, thường gặp trong độ tuổi từ 35 đến 65 và giảm dần sau đó. Bệnh làm người bệnh mất tự tin, đau đớn, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân thường đến gặp BS khi đa số đã có biến chứng. Nguyên nhân do bệnh ở vùng khó nói, không biết tâm sự cùng ai, lại ngại đi khám.
Hầu hết các trường hợp trĩ nằm trong trực tràng nên không thể nhìn thấy, một số trường hợp có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy búi trĩ xung quanh bên ngoài trực tràng. Theo phân loại, trĩ nội là trĩ có chân xuất phát trên đường lược, trĩ ngoại là trĩ có chân xuất phát dưới đường lược, trĩ hỗn hợp gồm có trĩ nội và trĩ ngoại. Khi trĩ phát triển ngày càng lớn sẽ sa ra ngoài hay có biến chứng như chảy máu hay có cục máu đông trong búi trĩ ngoại làm cho bệnh nhân khó chịu và đau.
Trong bệnh lý hậu môn trực tràng trĩ đứng hàng đầu chiếm 58,5%, bệnh trĩ là do sự căng dãn quá mức tĩnh mạch ở trực tràng – hậu môn gây viêm sưng hoặc xuất huyết. Người mắc bệnh trĩ mới đầu thường không có triệu chứng hay chỉ có cảm giác khó chịu vùng hậu môn khi đi ngoài, lâu dần sẽ đi ngoài ra máu và đau rát nhiều hơn. Bệnh trĩ ngoại thường sớm được phát hiện, do người bệnh có thể sờ thấy khi vệ sinh sau đi ngoài. Với bệnh trĩ nội, thường người bệnh chỉ nhận biết được khi đi ngoài ra máu đỏ tươi biểu hiện bằng cách thấy máu dính trên giấy vệ sinh; sau khi phân ra thấy máu nhỏ thành giọt hay bắn thành tia; Ở giai đoạn nặng búi trĩ sa hẳn bên ngoài hậu dẫn đến viêm sưng, nhiễm trùng, gây triệu chứng đau biểu hiện rõ khi bệnh nhân ở tư thế ngồi trên ghế, khi bệnh biểu hiện kéo dài dẫn đến triệu chứng thiếu máu.
Bệnh nhân thường đến chuyên khoa Hậu môn học hay chuyên khoa tiêu hóa thường trễ đa số đã có biến chứng như đi ngoài ra máu, viêm đau và có một số trường hợp áp xe vùng hậu môn trực tràng. Nguyên nhân do bệnh ở vùng khó nói, không biết tâm sự cùng ai, lại ngại đi khám.
Các nguyên nhân thường gặp ở bệnh nhân có bệnh trĩ: táo bón kéo dài, tiêu chảy kéo dài, tăng áp lực ổ bụng, tư thế ngồi lâu với các nghề nghiệp ngồi nhiều (như công nhân may, lái xe, nhân viên văn phòng), chế độ ăn nhanh ít chất xơ, phụ nữ mang thai. Ngoài ra còn có các nguyên nhân bệnh lý thực thể của đại trực tràng: như polyp đại trực tràng, ung thư đại trực tràng, viêm đại trực tràng xuất huyết…
Bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám nếu bạn đi ngoài ra máu hoặc đi ngoài phân đen như bã cà phê (hay nhựa đường).
Chẩn đoán bệnh trĩ không khó với triệu chứng đi ngoài ra máu đỏ tươi, khi thăm khám hậu môn cũng có thể xác định được trĩ hay dùng kỹ thuật nội soi trực tràng để chẩn đoán.
Khi nào nội soi? Thường nội soi cho những bệnh nhân trên 50 tuổi có các dấu hiệu báo động: gần đây có rối loạn tiêu hóa đi ngoài lỏng, thiếu máu, sụt cân, trong gia đình có người bị ung thư đại trực tràng… để loại trừ các bệnh lý thực thể khác của đại trực tràng.
Chẩn đoán giai đoạn của trĩ nội
Trĩ nội độ I: Các tĩnh mạch giãn nhẹ, niêm mạc phồng lồi vào trong lòng trực tràng.
Trĩ nội độ II: Các tĩnh mạch trĩ đã giãn nhiều hơn, tạo thành các búi rõ rệt, khi gắng sức trĩ sa ra ngoài, nhưng tự co lên được.
Trĩ nội độ III: Như độ II, nhưng khi trĩ đã sa ra ngoài thì phải dùng tay ấn nhẹ hay phải nằm nghỉ một lúc thì búi trĩ mới tụt vào trong.
Trĩ nội độ IV: Các búi trĩ khá to, thường liên kết với nhau thành trĩ vòng, trĩ sa ra ngoài liên tục và không thể đẩy lên được.
Biến chứng của bệnh trĩ
Nhiễm trùng hậu môn do vi khuẩn tích tụ ở búi trĩ dễ lây lan gây viêm nhiễm hậu môn, từ đó dẫn đến viêm nhiễm các cơ quan lân cận, dẫn đến rò hậu môn đây là bệnh lý khó điều trị và dễ tái phát.
Apxe hậu môn gây ra đau đớn, sốt cao cho người bệnh.
Thiếu máu: Bệnh trĩ gây ra mất máu khi đi đại tiện dẫn đến thiếu máu.
Sa nghẹt búi trĩ: Búi trĩ phát triển lớn không được phẫu thuật sẽ dẫn đến sa nghẹt và hoại tử.
Gây nên tình trạng tắc mạch trong búi trĩ thường gặp trong trĩ ngoại.
Nứt kẽ hậu môn: do táo bón khiến niêm mạc ống hậu môn bị nứt rất đau đớn.
Ảnh hưởng đến đời sống tình dục: do tâm lý căng thẳng, mất tự tin.
Điều trị
Thay đổi lối sống: chế độ dinh dưỡng có nhiều xơ, uống nhiều nước, tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà, tránh các thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu và thường xuyên tập thể dục, thể thao như bơi lội, đi bộ.
Thuốc
Thuốc bôi ngoài có các chất làm giảm đau, chống viêm, kháng sinh, bảo vệ và làm bền chắc tĩnh mạch, làm giảm các triệu chứng đau rát, ngứa ngáy, khó chịu và mau lành vết thương.
Thuốc đặt hậu môn làm giảm đau rất nhanh, chống viêm, làm lành thành mạch.
Thuốc uống tác động trực tiếp vào tĩnh mạch bị tổn thương, từ đó làm giảm sưng, phù nề búi trĩ, hạn chế sung huyết chảy máu.
Ngoài điều trị thuốc tây y ở Việt nam có những bài thuốc đông y có hiệu quả điều trị ổn định bệnh trĩ độ I và độ II.
Tùy vào tình trạng bệnh mức độ búi trĩ, bác sỹ điều trị chỉ định thuốc phù hợp.
Điều trị bằng thủ thuật, phẫu thuật
Thắt búi trĩ, bằng vòng cao su là những thủ thuật được áp dụng rộng rãi để điều trị trĩ độ I, độ II, ưu điểm của các phương pháp này là thực hiện đơn giản. Nhiều phương pháp phẫu thuật đã được áp dụng, phổ biến nhất hiện nay là phẫu thuật Longo. Điều trị trĩ độ III, độ IV, ít đau, thời gian nằm viện ngắn.
Bạn có thể làm gì để không mắc thêm bệnh trĩ?
Điều quan trọng nhất bạn có thể làm là không để bị táo bón. Khi đi ngoài, bạn cũng không nên rặn quá nhiều.
Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, chất xơ giúp tăng nhu động ruột. Bạn cần 20g đến 35g chất xơ mỗi ngày để giữ cho việc đi ngoài đều đặn. Nếu bạn không nhận đủ chất xơ từ chế độ ăn uống của mình, bạn có thể bổ sung chất xơ như ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, uống nhiều nước mỗi ngày.
Hạn chế dùng nhiều chất kích thích và ăn nhiều thực phẩm cay, nóng, chiên rán.
Thường xuyên vận động, chăm chỉ luyện tập thể thao, tránh ngồi một chỗ quá lâu.
Tập cho mình thói quen đi đại tiện đúng giờ và không nên nhịn đi đại tiện quá lâu.
Vệ sinh cơ thể và vùng hậu môn sạch sẽ mỗi ngày.
Nguồn: TS. BS Võ Hồng Minh Công – Tạp chí Sức Khỏe