Với lòng đam mê nghệ thuật, tâm huyết, bỏ qua mặc cảm tật nguyền và sự cố gắng nổ lực của bản thân Nguyễn Công Bằng đã tự khẳng định mình trên từng tác phẩm đá trắng Quỳ Hợp gắn liền với văn hóa phong thủy, tâm linh để xây dựng nên thương hiệu “Đá Mỹ nghệ Thiện Tâm” là gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế của huyện miền núi nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.
Năm 1971, Nguyễn Công Bằng được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê lúa thuộc xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Năm lên 2 tuổi, anh đã bị một cơn sốt ác tính làm teo dần hai chân và trở thành bại liệt. Mặc dầu, anh đã được bố mẹ đưa đi chữa trị nhiều nơi, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm; từ đó, anh phải ngồi xe lăn vĩnh viễn. Năm lên 6 tuổi, được sự thương yêu của bố mẹ, động viên của bạn bè, anh quyết tâm đến trường, là một trong những đứa trẻ ham học và luôn cố gắng vượt lên chính mình với những kết qủa học tập khá cao. Nhưng cuộc sống không dành cho anh sự may mắn, bù đắp, năm lên lớp 12, Nguyễn Công Bằng lại tiếp tục bị một trận ốm thập tử, nhất sinh, nên việc học hành dở giang đành phải gác lại.
Vừa buồn, vừa tủi, vừa thương bố mẹ khi mình phải ăn bám suốt đời. Anh đã trăn trở, suy nghĩ và tự tìm cho mình một công việc có ích, phù hợp để vơi đi gánh nặng cho gia đình. Anh tự mày mò học vẽ, vẽ theo cảm xúc, vẽ theo những gì nhìn thấy được… Dần dần, anh nảy ra ý định phải tham gia một lớp học vẽ để sau này hành nghề kiếm sống. Qua suy nghĩ, tìm hiểu và khả năng cảm nhận của bản thân, anh xin phép bố mẹ vào thành phố Vinh và xin học tại các cửa hiệu chuyên vẽ truyền thần. Ban đầu, anh lấy ảnh chân dung người thân ra vẽ, anh chăm chỉ vẽ cả ngày lẫn đêm, tìm các kiểu chữ để tập làm quảng cáo. Hơn 1 năm kiên trì khổ luyện, anh đã thành công và bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề vẽ truyền thần rong. Anh rong ruỗi khắp các vùng quê của huyện Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương để mưu sinh. Những đồng tiền kiếm được dù ít ỏi, nhưng anh luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì đã tự nuôi bản thân bằng sức lao động của chính mình.
Đến năm 1995, gia đình chuyển lên sinh sống tại huyện miền núi Quỳ Hợp, anh đã tự vay mượn và mở cho mình 01 cửa hiệu chuyên vẽ truyền thần, quảng cáo. Tiếng lành đồn xa, cửa hiệu của anh ngày càng đông khách; ngoài kiếm tiền nuôi sống bản thân, anh còn dành dụm, giúp đỡ bố mẹ nuôi các em ăn học. Vào những năm 1996 – 1998, Quỳ Hợp lại rộ lên phong trào khai thác đá trắng. Từ đá trắng đã đem lại lợi nhuận cao cho các ông chủ biết đầu tư và trở thành tỷ phú. Ứớc mơ, khát khao và nung nấu ý chí làm giàu từ đá trắng, anh lại khăn gói ra Hà Nội để học thêm nghề điêu khắc, rồi trở vào làng nghề Non Nước, Đà Nẵng thực nghiệm. Sau hơn 2 năm vừa học, vừa làm, anh đã nhanh chóng bắt nhịp, thành thạo, tích lũy nhiều kinh nghiệm và trở về quê thực hiện ước mơ của mình.
Sau khi trở về quê, anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mở xưởng chế tác, thuê chở đá trắng về xưởng và một mình miệt mài với công việc. Từ những hòn đá vô tri, vô hình, anh đã thổi vào đó những đam mê, công sức, mồ hôi và tình yêu để tạc nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị như: tượng phật, tượng chúa, sư tử, 12 con giáp, đèn hoa, bàn ghế đá, tranh đá, đá phong trủy… Đến năm 2005, để đáp ứng nhu cầu và phát triển nghề đá mỹ nghệ Nguyễn Công Bằng đã thành lập công ty và lấy tên “Công ty TNHH Đá Mỹ nghệ Thiện Tâm”, anh đầu tư thêm máy móc, dây chuyền sản xuất và thuê công nhân. Công ty làm ăn ngày càng thuật lợi, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương. Các sản phẩm Đá Mỹ nghệ Thiện Tâm không những khách trong nước mà nước ngoài cũng biết đến, tin tưởng và tìm đặt hàng với số lượng lớn như: Ấn Độ, Nhật, Phần Lan, Tây Ban Nha… Năm 2016, để mở rộng kinh doanh và hạn chế một số chi phí vận chuyển, anh đã đầu tư mua thêm xe cẩu, xe chở đá và xe cứu hộ để hành nghề vận tải.
Trong cuộc sống anh luôn được nhiều người quan tâm, giúp đỡ, nên anh rất thấu hiểu, đồng cảm, chia sẽ với những hoàn cảnh khó khăn; anh luôn đồng hành và ưu tiên hỗ trợ những người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để họ có công ăn, việc làm ổn định. Đến nay, Công ty đã có hơn 10 lao động làm việc thường xuyên với mức thu nhập từ 10-40 triệu đồng/tháng. Hàng năm, phối hợp với Trung tâm khuyến công và Liên minh HTX Nghệ An, mở các lớp dạy nghề miễn phí về điêu khắc và tiện đá mỹ nghệ; mỗi đợt đào tạo là hơn 30 lao động phổ thông tại địa phương. Tính từ năm 2009 đến nay, Công ty TNHH Đá Mỹ nghệ Thiện Tâm đã đào tạo được hơn 100 lao động; trong đó, có 5 lao động là con em thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, 7 người tàn tật, số còn lại là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và dân tộc thiểu số với mức thu nhập ổn định 7-10 triệu đồng/tháng. Đối với những học viên có hoàn cảnh khó khăn, ở xa, anh đều tạo điều kiện cho ăn ở miễn phí và hỗ trợ một phần kinh phí để trang trải sinh hoạt hằng ngày. Đối với những học viên có tay nghề vững, anh luôn động viên, khuyến khích, giúp đỡ hỗ trợ vay vốn không lấy lãi để khởi nghiệp… Ngoài việc đào tạo, giúp đỡ, hỗ trợ học nghề, hàng năm, anh dành riêng một phần lợi nhuận của công ty đóng góp quỹ từ thiện nhân đạo, kêu gọi quyên góp hàng tỷ đồng ủng hộ người nghèo, đồng bào bị thiên tai bão lụt, xây nhà tình nghĩa và giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiên tai lũ lụt…
Hơn 20 năm gắn bó với Đá Mỹ nghệ, Nguyễn Công Bằng đã gặt hái được nhiều thành công và đáng ghi nhận: Năm 2016, sản phẩm Đá Mỹ nghệ Thiện Tâm được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cấp Chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Tỉnh”, chứng nhận “Danh hiệu thợ giỏi ngành nghề: Điêu khắc mỹ nghệ”. Năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhiệm kỳ III (2012 – 2017); được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Nghệ An tặng giấy khen “Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thiện Tâm đã có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên làm chủ doanh nghiệp, cơ sở có nhiều đóng góp cho cộng đồng”. Năm 2020, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An biểu dương “Điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 – 2020”. Đặc biệt, anh cũng là một trong 23 tập thể và 77 cá nhân tiêu biểu của cả nước được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020.
Với những thành công và kết quả đã được ghi nhận, anh Nguyễn Công Bằng đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực và là tấm gương điển hình cho tuổi trẻ nói chung và những người khuyết tật nói riêng vững tin, tiếp bước học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An