Khát khao khởi nghiệp để tạo dựng cuộc sống tự lập, bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, nhưng nhiều người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh lại gặp rất nhiều khó khăn trên hành trình khởi nghiệp.
Mất đi một chân sau tai nạn giao thông năm 2010, anh Trần Quang Lộc (1979), ở thôn Lương Nông Bắc, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) gặp rất nhiều khó khăn khi đi tìm việc, dù có 2 tấm bằng cao đẳng ngành điện và trung cấp ngành may mặc.
Sau 3 năm khởi nghiệp, cửa hàng bánh ngọt của chàng trai khuyết tật Trần Văn Tâm ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) vẫn chưa thu hồi được vốn.
Sau 3 năm khởi nghiệp, cửa hàng bánh ngọt của chàng trai khuyết tật Trần Văn Tâm ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) vẫn chưa thu hồi được vốn.
Với quan niệm: “Nếu không xin được việc, thì hãy tự tạo việc cho chính mình”, vào cuối năm 2019, sau thời gian dài tìm hiểu, anh Lộc quyết định khởi nghiệp bằng mô hình gia trại tổng hợp, để tự tạo dựng công việc cho bản thân.
Khát vọng khởi nghiệp là vậy, nhưng do gia cảnh khó khăn, nên để có vốn, anh phải vay từ ngân hàng và người thân 60 triệu đồng. “Tôi lựa chọn đầu tư mô hình chăn nuôi gà, quy mô khoảng 300 – 400 con/lứa và nuôi thêm bò, heo, bồ câu. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tôi đầu tư mua máy móc chế biến thức ăn và thuê gần 4 sào đất trồng cỏ, nhằm chủ động thức ăn cho vật nuôi. Ấp ủ nhiều dự định và mong muốn, nhưng do kinh phí có hạn, vì thế trước mắt, tôi chỉ mới hoàn thiện chuồng nuôi cho mô hình chăn nuôi gà và bồ câu. Riêng bò và heo do chi phí con giống lớn, nên tôi chỉ mua được 2 bò cái, 2 heo nái sinh sản”, anh Lộc tâm sự.
Không chỉ gặp khó khăn về vốn, hành trình khởi nghiệp của NKT còn gặp nhiều khó khăn khi khả năng bắt nhịp thị trường và truyền thông, quảng bá cho sản phẩm còn hạn chế.
Chia sẻ về những trăn trở sau 3 năm khởi nghiệp với mô hình tiệm bánh ngọt, anh Trần Văn Tâm, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), trầm ngâm: “Bỏ ra 6 triệu đồng đi học nghề, 75 triệu đồng mua sắm tủ và dụng cụ làm bánh. Thế nhưng, đến giờ, hai vợ chồng vẫn chưa thu hồi được vốn. Bình quân mỗi tháng, cửa hàng chỉ bán được tầm 5 – 7 cái bánh kem mà thôi”.
Được gia đình trợ lực về kinh phí để mở tiệm bánh ngay khu vực chợ Mới, xã Tịnh Hà khá sầm uất, nhưng theo chia sẻ của Tâm, do anh và vợ đều là người câm điếc, không thể giao tiếp bình thường với khách hàng, chỉ có thể nói trao đổi bằng cách viết ra giấy, nên tiệm bánh của Tâm chỉ mới thu hút được khách hàng là người quen, chưa thể cạnh tranh với các tiệm bánh khác trong khu vực.
“Để NKT có cơ hội khởi nghiệp, tự tạo ra việc làm và thu nhập cho bản thân, NKT cần có cơ chế riêng về vốn vay ưu đãi và những chương trình hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật… để NKT trang bị thêm kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp và duy trì thành công mô hình lập nghiệp của mình”.
“Để NKT có cơ hội khởi nghiệp, tự tạo ra việc làm và thu nhập cho bản thân, NKT cần có cơ chế riêng về vốn vay ưu đãi và những chương trình hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật… để NKT trang bị thêm kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp và duy trì thành công mô hình lập nghiệp của mình”.
Theo thống kê sơ bộ của Hội NKT tỉnh, hội hiện có gần 2.000 hội viên, thì có chưa đến 100 người đang “làm công ăn lương” tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân khiến tỷ lệ NKT xin được việc làm thấp, vì họ là những người yếu thế, khó hòa nhập với môi trường làm việc. Do đó, nhiều NKT, đặc biệt là thanh niên còn khả năng lao động đều mong mỏi, khát khao cơ hội khởi nghiệp để tự tạo việc làm cho chính mình, từng bước vươn lên trong cuộc sống, nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Mong mỏi là vậy, nhưng trên thực tế, hoạt động khởi nghiệp của NKT vẫn còn rất hạn chế. Theo rà soát của Hội NKT huyện Mộ Đức, toàn huyện có 11.000 NKT, nhưng chỉ có khoảng 10 NKT khởi nghiệp thành công, với các mô hình như mở xưởng may gia công, phát triển kinh tế trang trại, mở xưởng sản xuất chổi đót… Còn lại đều đang gặp nhiều khó khăn, loay hoay trong tìm kiếm việc làm và thu nhập.
Theo chia sẻ của nhiều NKT, dù có mong muốn lập nghiệp, nhưng hiện nay, nguồn vốn vay ưu đãi dành riêng cho NKT vẫn còn rất hạn chế. Hơn nữa, hoạt động đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp cho NKT vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nên NKT bị tụt lại phía sau trong hoạt động khởi nghiệp.
Nguồn: ĐÔNG YÊN – Báo Quảng Ngãi