Trừ lái xe máy, ôtô, chị Hà (chủ tịch hội người mù quận Đống Đa, Hà Nội) thạo tiếng Anh, Nhật, đánh đàn, làm được mọi việc nhà…
Sát Tết, trong ngôi nhà trên phố Kim Hoa (Đống Đa) chị Đỗ Thúy Hà đang cùng mẹ đẻ tất bật chuẩn bị cỗ. Bà Nguyễn Thị Thúy Anh, mẹ Hà, nhờ việc gì chị cũng làm gọn gàng, từ rửa rau, thái thịt, cắt bánh chưng… Miệng nói, tay làm, dáng vẻ hoạt bát, đôi mắt trong nép dưới hàng mi đen, nếu không biết trước thật khó để đoán người phụ nữ 38 tuổi này bị khiếm thị.
“Khi còn là chủ một cửa hàng xoa bóp bấm huyệt, có lần cơ quan chức năng vào kiểm tra giấy phép, thấy tôi luôn tay luôn chân dọn dẹp, hỏi giấy phép nào trình đúng cái đó, có người trong đoàn nghi tôi giả mù”, chị kể vui.
Nhiều khách đến xoa bóp cứ tưởng chủ cửa hàng mắt sáng, đưa tiền không thấy chị cầm họ mới biết, mang đến dúi tận tay. Mỗi lần đi xe ôm, tài xế hỏi số nhà, Hà ngồi sau xe dõng dạc “em yên tâm, khi nào gần đến chị sẽ bảo”. Từng khúc cua, lối rẽ về nhà mẹ, chị thuộc như lòng bàn tay.
Lần khác, đám thanh niên đến chơi, mang ra một xấp tiền trộn lẫn rồi bày hết ra bàn thách Hà đếm. Chị sờ từng tờ tiền một, xếp lại gọn gàng “tất cả là 497 nghìn”. Cả đám ồ lên thán phục.
Mẹ chị Hà kể, năm 3 tuổi, đôi mắt con gái bà mờ dần. Họ chạy chữa khắp nơi nhưng bất lực. “Hồi đó vẫn còn bao cấp, khó khăn lắm. Vợ chồng tôi phải nhờ mãi mới mua được dầu cá với vitamin A cho Hà uống, nhưng uống nhiều bệnh không thuyên giảm mà con còn bị thêm bệnh gan. Đến năm Hà 10 tuổi thì mắt không nhìn thấy gì nữa. Các bác sĩ nói không còn cách nào điều trị được cả”, bà bồi hồi nhớ lại.
Thay vì ủ rũ, bà Thúy Anh quyết định nghỉ việc cùng con gái đối mặt với một cuộc sống mới. Bà đưa con đến học ở trường Nguyễn Đình Chiểu (cho trẻ khiếm thị). Mỗi lần vào bếp nấu cơm, rửa bát, dù bất cứ công việc gì, bà cũng kéo con vào làm cùng.
“Không thể nhìn bằng mắt, tôi phải sắp xếp mọi thứ thật gọn gàng, ngăn nắp và tận dụng hết mọi giác quan còn lại. Tôi quan sát bằng đôi tay của mình, tập trung lắng nghe, cảm nhận bằng khứu giác. Người bình thường nỗ lực một thì tôi nhắc nhở mình phải cố gắng gấp 10, gấp 100 lần…”, Hà tâm sự.
Năm 2011, Hà lập gia đình. Lúc đầu, bố mẹ chồng không sẵn sàng đón nhận nhưng họ đã thay đổi khi nhìn thấy sự hoạt bát và lanh lẹ của con dâu. Khi mang bầu, chị bắt đầu tìm hiểu các thông tin và trang bị kỹ năng cho mình. Pha sữa cho con nhỏ, Hà tập cách rót nước vào bình, lắng tai để đo mực nước. Khi những ngón tay bị bỏng nước lành lại cũng là lúc chị thành thạo pha sữa, thay bỉm…
“Với một đứa trẻ còn non nớt, mình không cho phép bản thân được sai sót. Mình rất tự hào vì chưa lần nào để chất dây bẩn ra ga giường hay làm con bị đau”, chị tự tin nói.
Anh Đỗ Ngọc Anh (45 tuổi), chồng chị Hà, đang công tác trong ngành viễn thông, chia sẻ: “Tôi phải lòng sự thông minh, sắc sảo, nhanh nhẹn và rất giàu nghị lực của cô ấy. Hà chăm sóc chồng con chu đáo không thua gì những người vợ bình thường khác”.
Họ không còn ở trọ tại con phố Tràng Thi đã 2 năm, nhưng nói đến cái tên Đỗ Thúy Hà, hàng xóm cũ ở đây không ai không nhớ. Ông Nguyễn Văn Muôn, từng ở gần nhà chị, xuýt xoa: “Hà còn tinh hơn cả người bình thường. Tôi đi làm về, nghe tiếng bước chân từ xa nó đã biết mà chào rồi. Nó là đứa nghị lực, giỏi cả tiếng Anh, tiếng Nhật. Nó dạy con đâu ra đấy. Thỉnh thoảng tôi còn thấy nó ôm đàn chơi, dạy ngoại ngữ cho con với trẻ hàng xóm nữa”.
Vợ ông Muôn kể thêm, ở gần nhà suốt một thời gian dài nhưng bà không hề biết Hà khiếm thị, vì ngày nào cũng thấy Hà làm đủ việc như người thường.
“Có lần đi ngang qua nhà nó, trời tối nhưng con bé nấu trong bếp mà không hề bật điện, tôi mới nhắc. Hà cũng chỉ vâng dạ rồi với tay bật điện nên tôi chẳng nghĩ gì. Mãi đến hôm gặp chồng Hà dắt tay vợ ngoài phố, hỏi thì cậu ấy bảo vợ bị khiếm thị tôi mới biết”, bà nói.
Không chỉ đảm việc nhà, người phụ nữ tuổi 38 cũng khiến người khác nể phục với sự nghiệp của mình. Năm 2000, chị là người khiếm thị duy nhất dự Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc và đoạt giải ba. Bốn năm sau đó, chị đậu đại học Mở Hà Nội. Học đại học được một năm, Hà bảo lưu kết quả khi biết mình là một trong 7 đại diện của 7 nước châu Á – Thái Bình Dương nhận học bổng tại Nhật. Suốt 2 năm liền, chị một mình sống và học tập ở xứ sở Phù Tang. Hà tự học tiếng Nhật qua tiếng Anh.
Hiện tại, chị vừa đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa vừa học thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh Doanh tại Đại học Thương mại (chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh).
Là một người có suy nghĩ lạc quan nhưng đôi khi, chị cũng thấy chạnh lòng vì những thiệt thòi của bản thân. Bạn bè khoe có bằng lái xe máy, bằng lái ôtô, còn chị, sẽ chẳng thể có những thứ đó.
“4 đến 5 tuổi, những đứa trẻ khác sẽ được bố mẹ dắt tay khi ra phố, nhưng con trai mình lại phải dẫn mẹ sang đường. Cháu đã phải học cách trưởng thành hơn khi có một người mẹ khiếm thị. Điều đó đôi khi khiến mình phải trăn trở”, chị Đỗ Thúy Hà tâm sự.
Nguồn: Anh Nhật – Vnexpress