Liên Hợp Quốc (UN) tại Việt Nam trân trọng kỷ niệm Ngày Quốc tế về Người Khuyết tật, với chủ đề nổi bật của năm nay là Xây dựng lại tốt hơn: Hướng tới một Thế giới hậu COVID-19 phát triển bao trùm, tiếp cận dịch vụ và bền vững dành cho người khuyết tật.
Như Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh: “Việc đưa người khuyết tật vào tất cả các kế hoạch ứng phó và phục hồi COVID-19 là một phần sống còn để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau và cũng là một thử nghiệm quan trọng đối với các cam kết của Công ước về Quyền của Người khuyết tật (CRPD), Chương trình Nghị sự 2030 vì Phát triển Bền vững và Chiến lược Bao trùm về Người khuyết tật của Liên Hợp Quốc.” LHQ tại Việt Nam tự hào vì được chọn là một trong những nước thực hiện thí điểm Chiến lược Bao trùm về Người khuyết tật Một Liên Hợp Quốc và Kế hoạch Hành động để đẩy mạnh mục tiêu này, mang lại sự chuyển và thay đổi bền vững và bao trùm dành cho người khuyết tật .
Trên toàn cầu, gánh nặng của COVID-19 là nặng nề nhất ở những nhóm người ít có khả năng đối phó với những ảnh hưởng của đại dịch, như những người khuyết tật (NKT). Tại Việt Nam, LHQ đã ghi nhận rằng NKT, đặc biệt là những người cao tuổi và những người có các bệnh nền, có nguy cơ mắc virus cao hơn. Ảnh hưởng lâu dài và trầm trọng hơn đối với NKT là việc làm và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trong một số trường hợp, trẻ em khuyết tật gặp khó khăn trong tiếp cận tới các dịch vụ điều trị và phục hồi, và bị ảnh hưởng nhiều hơn khi phải chuyến sang học trực tuyến. Ngoài ra, trẻ em khuyết tật có nhiều khả năng sẽ được đưa vào chăm sóc tại gia đình, là nơi đã được ghi nhận có nhiều thách thức.
Trong thời gian 16 Ngày Hành động Phòng chống Bạo lực Giới này, chúng tôi cũng muốn công luận chú ý đến tình hình của phụ nữ khuyết tật, bị ảnh hưởng trầm trọng thêm do COVID-19. Cứ mười phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thì có đến bốn người đã phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực tình dục. Nhiều trường hợp quấy rối tình dục vẫn còn được che dấu hoặc chưa được biết, vì chúng xảy ra với những người đang phải sống trong nghèo đói và ở vùng sâu vùng xa, hoặc với những người không biết về quyền của mình. Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thậm chí có thể phải đối mặt với áp lực bị triệt sản để tránh có thai ngoài ý muốn do bị tấn công về tình dục.
Nhìn về phía trước, đại dịch COVID-19 cho thấy rõ rằng các nỗ lực bảo vệ, ứng phó và phục hồi sẽ không hiệu quả trừ khi các nỗ lực này là bao trùm và tất cả mọi người đều được coi trọng như nhau. Các nền tảng cho phục hồi COVID-19 bao trùm dành cho người khuyết tật là rất rõ ràng: không phân biệt đối xử, tính phối hợp liên ngành, khả năng tiếp cận, sự tham gia, trách nhiệm giải trình, phân tách dữ liệu. Một cách tiếp cận về quyền con người là rất quan trọng để đảm bảo rằng các Quốc gia phải hành động ngay để xây dựng các xã hội bình đẳng, bền vững và có khả năng chống chịu, có cơ chế ngăn ngừa và ứng phó nhanh chóng với các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trong tương lai và đảm bảo rằng ‘không ai sẽ bị bỏ lại phía sau’.
LHQ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các quyền của NKT, và đảm bảo rằng NKT được ưu tiên trong việc đạt được các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030. Quá trình xây dựng lại tốt hơn sẽ yêu cầu:
Đảm bảo lồng ghép nội dung về NKT trong tất cả các kế hoạch liên ngành về ứng phó COVID-19 và phục hồi – cùng với những hành động có mục tiêu – và theo dõi tính bao trùm và trao quyền cho NKT trong các hoạt động này;
Đảm bảo tư vấn có ý nghĩa với sự tham gia tích cực của NKT và các tổ chức đại diện của họ trong tất cả các giai đoạn của ứng phó COVID-19 và phục hồi;
Đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin, cơ sở vật chất, các dịch vụ và chương trình ứng phó COVID-19 và phục hồi;
Đảm bảo đưa nội dung về NKT vào số hóa trong và sau đại dịch, chẳng hạn như việc làm, đặc biệt cho phụ nữ khuyết tật, để duy trì sinh kế và phẩm giá của họ và giảm tính dễ bị tổn thương đối với bạo lực giới;
Đảm bảo rằng các chiến lược học tập từ xa / trực tuyến đáp ứng được nhu cầu học tập đặc biệt của trẻ em;
Xây dựng hệ thống bảo trợ xã hội bao trùm và bền vững cho NKT, đảm bảo tiếp cận với các gói bảo trợ xã hội, tạo điều kiện cho NKT được chứng thực tình trạng khuyết tật của họ và ưu tiên NKT trong các kế hoạch ứng phó về kinh tế-xã hội;
Đảm bảo rằng luật pháp và các chính sách cấm mọi hình thức phân biệt đối xử đối với NKT và thông qua định nghĩa về NKT phù hợp với CRPD.
LHQ tại Việt Nam luôn luôn là đối tác chặt chẽ và đáng tin cậy của Chính phủ và của NKT để hỗ trợ họ đạt được tầm nhìn về một Việt Nam hậu COVID-19 phát triển bao trùm, tiếp cận dịch vụ và bền vững dành cho NKT.
Nguồn: vietnam.un.org