Thời gian gần đây những sinh viên ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng quen dần với hình ảnh nữ sinh xinh xắn đến giảng đường bằng một chân với đôi nạng gỗ.
Tháo khớp bỏ chân phải mới cứu được tính mạng
Nữ sinh Nguyễn Thị Cẩm Nhung (18 tuổi) sinh ra và lớn lên ở H.Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Lúc 5 tuổi, Nhung không may bị trượt chân khi đang đùa giỡn làm phần xương bên chân phải bị gãy.
Nhung được ba đưa đi chữa trị khắp nơi, từ bệnh viện tỉnh rồi đến Bệnh viện Nhi đồng. Để có tiền chữa trị cho Nhung, ba cô phải vay mượn từ bà con, bạn bè. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận chân ngày càng sưng to, xuất hiện khối u lớn. Biện pháp cuối cùng là phải tháo khớp bỏ luôn chân phải mới có thể cứu được tính mạng.
Sau khi lành lặn, cuộc sống của Nhung thay đổi hoàn toàn. Nhung phải làm bạn với đôi nạng gỗ, không được chạy nhảy với bạn bè như trước nữa. Đến lớp hay di chuyển, Nhung vô cùng khó khăn với “đôi chân” mới của mình.
“Có lúc đi khó quá mẹ tôi đạp xe đạp chở tôi đi học. Có khi vào lớp các bạn hay chọc con cụt chân, con nhỏ một giò tôi cũng hơi buồn. Thỉnh thoảng tôi lại có suy nghĩ nghỉ học. Nhưng giờ thành quen nên tôi không nghĩ gì nữa”, Nhung kể lại.
Đến cuối năm THCS, mẹ Nhung có ý định cho cô con gái nghỉ học để tìm việc làm phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, khi biết tin Nhung nghỉ học, cô giáo viên chủ nhiệm đã âm thầm làm hồ sơ cho Nhung vào trường ở H.Thạnh Phú vì Nhung được đặc cách trúng tuyển.
Lúc học hết THPT, gia đình một lần nữa khuyên Nhung dừng học ở nhà để tìm việc làm. Ba Nhung làm thợ hồ, lao động chính trong nhà kèm theo nhiều bệnh ở trong người. Những lần thiếu hụt cả gia đình phải đi vay mượn rồi kiếm tiền trả lại dần dần. Nếu Nhung nghỉ học đi làm sẽ giảm bớt gánh nặng cho cả gia đình.
Ba chở thi năng khiếu, mẹ làm thủ tục nhập học
Tuy vậy, cô gái nhỏ quyết tâm sẽ tiếp tục con đường học vấn của mình. Cô muốn mình tự lập, tự lo được cho cuộc sống sau này. Thế là Nhung chọn trường, chọn ngành thiết kế đồ hoạ, khoa mỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) để làm bước đường nuôi dưỡng giấc mơ của mình sau này.
Nhung nói: “Mấy bạn thi ngành này phải học và ôn nhiều lắm. Còn tôi chỉ biết chọn và đi thi, may mắn là tôi đậu”.
Không ai khác, ba Nhung là người ủng hộ con gái bước vào đại học. Nhung được ba chở con gái lên thành phố thi năng khiếu. Còn mẹ chở đến trường để làm thủ tục nhập học. Nhung bắt đầu cuộc sống mới, một mình xoay xở cuộc sống sinh viên.
Mỗi ngày cô gái nhỏ nhắn tự lên giảng đường bằng đôi nạng gỗ. Nhung dần quen nhiều bạn bè, thầy cô và được mọi người giúp đỡ.
Nhung cho biết mặc dù bị tật, di chuyển khó khăn nhưng cô có thể đi bất kỳ nơi đâu ở trường. Những tầng lầu dần dần trở nên dễ thở hơn với đôi chân nhỏ của Nhung. “Tôi đi lâu hơn mọi người. Mọi người đi 15 phút đến thư viện thì thôi đi tới 30 phút. Nhưng điều đó cũng không sao cả chỉ hơi mệt một chút thôi”, Nhung chia sẻ.
Học ngành đồ hoạ, Nhung tranh thủ làm bài trên máy tính ở trường, còn về ký túc xá, Nhung mượn máy tính của bạn khi làm bài tập cuối kỳ. Nữ sinh này dự định sẽ tìm công việc làm thêm phù hợp với sức khoẻ để phụ giúp gia đình phần nào học phí.
Theo Dạ Thảo – Thanh Niên