48 đại biểu người khuyết tật (NKT) là các giám đốc doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất được lựa chọn từ 37 tỉnh, thành phố trên cả nước. Họ không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu chính đáng, tạo được thương hiệu cho doanh nghiệp và việc làm cho nhiều người khác.
Ngày 16/4, Hội bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức chương trình “Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là người khuyết tật” năm 2018, nhằm tôn vinh 48 doanh nhân NKT trên cả nước.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội cho biết, NKT gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống bởi những khiếm khuyết về thể chất, nhưng đa số họ có ý chí và nghị lực vươn lên mãnh liệt. Nếu như trước đây, đánh giá về tình hình NKT vẫn thường được nhận định là trình độ văn hóa thấp, không có điều kiện học lên cao, đa số là người nghèo… thì hiện nay hình ảnh này đã thay đổi đáng kể. Nhiều NKT có tri thức, ham học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu công việc, cũng như quyết tâm theo đuổi đam mê.
“Họ không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu chính đáng, tạo được thương hiệu cho doanh nghiệp và tạo việc làm cho nhiều người khác. Họ là những người tài năng cả chuyên môn lẫn kỹ năng mềm, đổi mới đưa doanh nghiệp đi lên”, ông Đàm nói.
Đáng chú ý, nắm bắt sự phát triển của kỷ nguyên kỹ thuật số, nhiều NKT đã lựa chọn lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) để đầu tư kinh doanh, phát triển thương hiệu. Không một ngày đến trường, liệt toàn thân chỉ với hai ngón tay cử động được, song anh Nguyễn Quốc Toàn (Phú Thọ) đã thành lập Công ty TNHH NQT về CNTT. Vượt qua những khó khăn ban đầu, hiện nay công ty của anh đã trở thành đối tác tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, doanh thu hàng năm đạt 6 – 7 tỷ đồng. Công ty cũng đang tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng.
Phụ nữ khuyết tật cũng không nằm ngoài số đó, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (Quảng Nam) thành lập Công ty TNHH Quang Toàn, chuyên mua bán, sửa chữa các loại mô tô, gia công cơ khí. Công ty có phân xưởng với máy móc, công nghệ hiện đại, sản xuất được những phụ tùng, linh kiện phục vụ ngành chế tạo lắp ráp ô tô. Hàng năm, công ty nộp ngân sách trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 50 lao động với thu nhập bình quân từ 5 – 10 triệu đồng/người/tháng.
Trở về với thương tật 81%, thương binh Hoàng Phi Thường không cam chịu đói nghèo, ông thành lập Xí nghiệp Thương mại du lịch và xây dựng thương binh 27/7. Những ngày đầu còn nhiều khó khăn, song với ý chí của người lính cụ Hồ, ông đã chèo lái xí nghiệp đi lên. Riêng năm 2017, doanh thu đạt 88 tỷ đồng, hiện tạo việc làm cho 150 lao động chính, 250 lao động thời vụ với mức lương từ 3,5 – 12 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến, năm 2018 xí nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh sang nước bạn Lào.
Đánh giá về điểm chung giữa các doanh nhân, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NKT Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, hầu hết họ xuất thân từ hoàn cảnh nghèo khó, sống chung với khuyết tật nên thấu hiểu hơn ai hết những thiệt thòi mà NKT phải vượt qua trong cuộc sống. Đồng thời, không chỉ thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với nhà nước, họ còn làm tốt trách nhệm với xã hội.
Để tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của NKT phát triển hơn, ông Đàm cho rằng, các vấn đề về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, vốn, thuế, thị trường lao động, đầu ra cho sản phẩm cho các cơ sở của NKT cần tiếp tục được quan tâm và giải quyết. Đặc biệt, các quy định trong các văn bản luật liên quan đến NKT, doanh nghiệp, thuế, tín dụng…cần được rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là tính đặc thù của NKT khi tham gia vào môi trường kinh doanh./.
Nguồn: Mai Đan – Thời Báo Kinh Tế