Trong cuộc sống, người khuyết tật luôn là nhóm người phải chịu nhiều thiệt thòi hơn các đối tượng khác. Do vậy, họ cần nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ cộng đồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về người khuyết tật. Dưới đây là 10 sự thật rất đáng lưu ý về người khuyết tật, do Tổ chức y tế thế giới WHO đưa ra.
Sự thật 1: Có hơn 1 tỷ người đang sống với các dạng khuyết tật khác nhau trên thế giới
Hiện nay, có khoảng 15% dân số thế giới là người khuyết tật. Theo thống kê, có khoảng 110 đến 190 triệu người trưởng thành gặp khó khăn đáng kể trong vận động. Tỷ lệ người khuyết tật đang tăng dần lên do tình trạng già hóa dân số và do sự gia tăng toàn cầu về những biểu hiện mãn tính trong sức khỏe con người.
Sự thật 2: Sự khuyết tật không được phân chia đều trên thế giới
Các quốc gia kém phát triển và đang phát triển có tỷ lệ người khuyết tật cao hơn các quốc gia phát triển. Những đối tượng thường gặp khuyết tật là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người nghèo
Sự thật 3: Người khuyết tật thường không được nhận những sự chăm sóc sức khỏe cần thiết
Có hơn một nửa trong số những người khuyết tật trên thế giới không đủ khả năng tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Tuy nhiên, họ vẫn may mắn hơn những người tàn tật bởi họ có khả năng nhận được sự chăm sóc từ các tổ chức chăm sóc sức khỏe cao hơn. Những người tàn tật là nhóm người có khả năng bị đối xử tệ hơn gấp 4 lần và bị từ chối chăm sóc sức khỏe nhiều gấp 3 lần.
Sự thật 4: Trẻ em khuyết tật thường có cơ hội đến trường ít hơn
Sự khác biệt trong giáo dục được nhận thấy trong hầu hết các báp cáo đến từ các quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở các nước nghèo. Cụ thể, sự khác biệt giữa tỉ lệ trẻ em khuyết tật và tỷ lệ trẻ em không khuyết tật đi học tiểu học dao động trong khoảng 10% tại Ấn Độ đến 60% tại In-do-nê-si-a.
Sự thật 5: Người khuyết tật có khả năng thất nghiệp cao hơn
Theo dữ liệu toàn cầu, tỷ lệ có việc làm ở người khuyết tật thấp hơn. Cu thể, tỷ lệ này đối với người nam khuyết tật là 53% và đối với người nữ khuyết tật là 20%. Trong khi đó, ở nhóm người không khuyết tật, tỷ lệ này là 65% đối với nam và 30% đối với nữ. Ở các nước OECD, tỷ lệ người khuyết tật có việc làm alf 44%, chỉ bằng một nửa so với những người không khuyết tật.
Sự thật 6: Người khuyết tật dễ bị nghèo đói
Điều này được chỉ ra từ điều kiện sống của người khuyết tật. Nhóm người này thường có điều kiện sống kém hơn những người khác như thường không có đủ thực phẩm, sống trong những căn nhà tồi tàn,.. Bên cạnh đó, các chi phí về chăm sóc sức khỏe họ phải chi ra thường xuyên khiến cho họ trở nên nghèo hơn những người không khuyết tật có thu nhập tương tự.
Sự thật 7: Phục hồi chức năng sẽ giúp tối đa hoa chức năng và hỗ trợ độc lập
Nhiều người khuyết tật đã không được chú ý đến việc phục hồi chức năng hay cũng cấp các phương tiện hỗ trợ. Trong khi đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc phục hồi chức năng và các phương tiện hỗ trợ
giúp người khuyết tật có thể tự vận động đơn giản. Nhiều quốc gia thậm chí không có dịch vụ phục hồi chức năng hoặc không cung cấp đủ dịch vụ này cho người khuyết tật. Dữ liệu thu thập được từ 4 quốc gia Nam Phi cho thấy chỉ khoảng 265000 người khuyết tật được phục hồi chức năng y tế họ cần và khoảng 173000 người nhận được các công cụ hỗ trợ mà họ cần (máy trợ thính, xe lăn,…)
Sự thật 8: Người khuyết tật hoàn toàn có thể sống và tham gia bình thường vào cộng đồng
Trên thế giới, có khoảng 40% người khuyết tật không cần đến sự hỗ trợ của người khác trong cuộc sống hằng ngày. Điều này cho thấy rằng, bỏ qua các khiếm khuyết về cơ thể, người khuyết tật có thể được sống và hoạt động bình thường như những người khác, họ hoàn toàn có khả năng hòa nhập cộng đồng.
Sự thật 9: Các rào cản đối với người khuyết tật hoàn toàn có thể được vô hiệu hóa nhờ chính phủ thông qua các hành động sau:
– Đầu tư cho các doanh nghiệp hoặc các chương trình cụ thể dành cho người khuyết tật
– Cải thiện chính sách giáo dục, đào tạo và tuyển dụng nhân viên
– Tăng nhận thức và hiểu biết cộng đồng về người khuyết tật
– Đảm bảo sự tham gia của người khuyết tật trong việc thực hiện các chính sách và chương trình.
Sự thật 10: Công ước về Quyền của Người khuyết tật (CRPD) thúc đẩy, bảo vệ và đảm bảo quyền con người cho tất cả người khuyết tật
Đến nay, hơn 170 quốc gia và các tổ chức hội nhập khu vực đã ký Công ước này và hơn 130 quốc gia đã phê chuẩn. Các báo cáo của WHO/ WorldBank đã cung cấp những bằng chứng khoa học tốt nhất để cải thiện sức khỏe và hạnh phúc của người khuyết tật phù hợp với CRPD.
Nguồn: Hồng Liên dịch – WHO