Một cơn sốt kéo dài đã làm thay đổi cuộc đời của Trịnh Thị Vưởng khi em mới 2 tuổi. Vưởng là con lớn trong một gia đình nông thôn nghèo có năm anh chị em thuộc dân tộc thiểu số Rắc Lây ở tỉnh Bình Thuận. Sau đợt sốt kéo dài, một chân của Vưởng dần dần bị liệt hoàn toàn. Tuổi thơ của Vưởng trôi qua cùng với chiếc nạng gỗ và lúc đầu Vưởng cũng vui vẻ chấp nhận nó với sự hồn nhiên của trẻ thơ. Tuy nhiên, khi Vưởng dần trưởng thành, chiến nạng gỗ đã dần dần trở nên nặng nề.
“Con gái mình cũng giống như con nhà người ta,” mẹ của Vưởng bùi ngùi tâm sự. “Vậy mà tại sao nó không đi lại, chạy nhảy giống những đứa trẻ khác mà chỉ ngồi một chỗ. Chúng tôi chạy chữa khắp nơi nhưng không được.”
Với gia cảnh và điều kiện sức khỏe của bản thân, Vưởng ngày càng thấy tương lai của mình mịt mù và tự hỏi làm sao mình có thể hoàn thành trách nhiệm với gia đình. Vưởng luôn mong ước có một phép màu nào đó xẩy ra để giúp Vưởng tìm được lối đi trên đường đời.
Rồi tình cờ một ngày Vưởng nghe đài phát thanh thông báo về một chương trình đào tạo công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật được tổ chức tại Đại học Văn Lang, thành phố Hồ Chí Minh, với sự hỗ trợ của USAID và CRS. Chẳng bao lâu sau Vưởng được nhận vào học chương trình này. Vưởng đã vượt qua vô vàn khó khăn trong cuộc sống và những khó khăn của bản thân để hoàn thành khóa đào tạo công nghệ thông tin kéo dài sáu tháng. Sau khi tốt nghiệp, Vưởng may mắn tìm được việc làm tại một công ty phát triển phần mềm lớn của Đức với khoảng 1.000 nhân viên CNTT chỉ riêng tại Việt Nam.
“Trong công việc thì Vưởng hoàn thành tốt cũng giống như các nhân viên khác,” người quản lý trực tiếp của Vưởng tại công ty cho biết như vậy khi nhận xét về công việc của Vưởng.
Còn Vưởng chia sẻ:
Người khuyết tật chiếm khoảng 15% dân số Việt Nam. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam mất khoảng 3% GDP mỗi năm do không tuyển dụng người lao động khuyết tật.
Kể từ năm 2007, USAID và CRS đã hợp tác với trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin Hà Nội (ESTIH) và Đại học Văn Lang thành phố Hồ Chí Minh tiến hành đào tạo các kỹ năng máy tính như thiết kế đồ họa, tạo mô hình 3D và phát triển web cho thanh niên khuyết tật trên khắp cả nước. Trong thời gian tham gia khóa học kỹ năng công nghệ thông tin, các học viên được tài trợ chi phí ăn ở, được đào tạo các kỹ năng mềm và được hỗ trợ tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Tính đến nay, chương trình này đã đào tạo được trên 700 học viên khuyết tật tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và trên 80% học viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Nội dung chương trình đào tạo được thiết kế với góp ý từ các công ty tuyển dụng. Các công ty này cũng phối hợp với chương trình để cung cấp cho học viên cơ hội thực tập để học viên có cơ hội thực hành những gì đã học được.
Sau sự thành công của chương trình đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật được tổ chức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, USAID và CRS đã mở rộng chương trình ra Đà Nẵng để đem các cơ hội đào tạo công công nghệ thông tin đến với các học viên khuyết tật ở khu vực miền trung Việt Nam.
Nguồn: usaid.gov