Từ ngày 1.7 Nghị định số 13/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Tiếp cận thông tin chính thức có hiệu lực. Việt Nam hiện có trên 7 triệu người khuyết tật và đây là đối tượng cần nhiều sự giúp đỡ, đặc biệt trong việc tạo điều kiện để tiếp cận thông tin. Chính vì vậy, Nghị định số 13 không chỉ giúp hòa nhập với xã hội mà còn giúp họ có cơ hội phát triển, khẳng định bản thân.
“Đói” thông tin
Theo ước tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ có hơn một triệu người mù trong tổng số hơn ba triệu người khiếm thị. Khó khăn với nhóm đối tượng này đầu tiên và quan trọng nhất là việc tiếp cận thông tin. Sự ra đời của Luật Người khuyết tật và việc Việt Nam phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật đã tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, tuy nhiên, việc tiếp cận và sử dụng thông tin vẫn còn nhiều vấn đề.
Theo kết quả tham vấn về quyền tiếp cận thông tin cho người khuyết tật tại 4 nhóm ở Hà Nội do Trung tâm Tư vấn hỗ trợ hòa nhập người khuyết tật TP Hà Nội (ICC) thực hiện cho thấy, có đến 85% người khuyết tật chưa biết đến quyền tiếp cận thông tin và chỉ 23% người khuyết tật cho biết được đáp ứng về thông tin – trong khi nhu cầu thông tin của đối tượng này là 92%. Thực tế tiếp cận thông tin với người khuyết tật là vấn đề hết sức quan trọng, không chỉ giúp hòa nhập với xã hội, mà còn giúp họ có cơ hội phát triển, khẳng định bản thân. Hiện nay, các trường chuyên biệt cho học sinh khuyết tật số lượng rất ít và chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… Tại các trường này, số học sinh khuyết tật theo học cũng không nhiều so với số trẻ bị khuyết tật trong độ tuổi đi học. Trong khi đó, tài liệu học tập còn thiếu, nhất là sách giáo khoa dành cho trẻ kiếm thính, hầu hết các em phải dùng chung sách giáo khoa bằng chữ nổi do chi phí sản xuất các loại sách này khá lớn. Chính vì vậy, việc được tiếp cận thông tin càng trở lên xa vời với người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa.
Ưu tiên đối tượng yếu thế
Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản quan trọng của công dân. Bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân là điều kiện cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; làm tăng tính hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước; bảo đảm sự công bằng, dân chủ và tăng cường trách nhiệm của công dân; góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người.
Xuất phát thực tế trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin, trong đó nêu rõ các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Theo đó, Nghị định quy định thông tin liên quan trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật phải được kịp thời công bố công khai dưới các hình thức thuận lợi cho người khuyết tật.
Bên cạnh đó, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước thiết lập cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan mình trong đó có cung cấp chức năng cơ bản để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho việc tiếp cận thông tin đăng tải trên các cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử…
Phó Chủ tịch Chi hội Người điếc Hà Nội Đỗ Hoàng Thái Anh cho biết, đa phần người khiếm thính lấy thông tin qua bố mẹ, người thân và luôn gặp trở ngại về giao tiếp như không đọc được văn bản, sách vở nếu không được dịch ra ngôn ngữ, ký hiệu vì thế thông tin rất ít. “Hiện chưa có hệ thống ngôn ngữ ký hiệu thống nhất trong cả nước, mỗi vùng miền sử dụng một loại ngôn ngữ khác nhau, người khiếm thính hiện vẫn chưa học qua các lớp ngôn ngữ, ký hiệu mà chỉ giao tiếp với nhau qua ngôn ngữ tự phát trong cộng đồng. Chính vì vậy, khi Nghị định 13 được ban hành những thông tin liên quan trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật sẽ được kịp thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó người khiếm thính nói riêng và người khuyết tật nói chung có thể dễ dàng hơn” – ông Đỗ Hoàng Thái Anh nói.
Đánh giá việc ban hành chính sách trên, nhiều chuyên gia cho rằng, để các đối tượng yếu thế có thể tiếp cận thông tin, bảo đảm quyền thông tin của mình, Nhà nước cần phải có các chính sách, cơ chế xóa bỏ những rào cản về thông tin; khuyến khích đầu tư, ứng dụng phát triển công nghệ thông tin dành cho nhóm đối tượng yếu thế. Vì vậy, việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định số 13 là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận thông tin dễ dàng và thuận lợi hơn từ đó, có thể hòa nhập nhanh với cộng đồng.
Tuy nhiên, để Luật thực sự đi vào đời sống, Nhà nước cần ưu tiên triển khai với các đối tượng yếu thế bảo đảm quyền thông tin và kéo gần khoảng cách phát triển của nhóm đối tượng này với các nhóm đối tượng khác. Đặc biệt, cần phải có chế tài xử lý kiên quyết, mạnh tay đối với những cơ quan, tổ chức không triển khai việc cung cấp cũng như tạo điều kiện cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa tăng cường nguồn lực giúp người khuyết tật có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Nguồn: Thái Yến – Daibieunhandan.vn