“Thời gian học việc ở Sài Gòn, tôi nhận thấy khách Tây đến thuê thợ chép tranh rất nhiều. Nếu mình không biết ngoại ngữ thì thật là bất lợi, nhất là khi đó tôi đã có ý định mở riêng cho mình một xưởng vẽ tranh ở TP Vinh. Thế là quyết tâm đi học tiếng Anh. Thực ra hồi ở quê tôi đã học tới bằng C rồi nhưng vào đây sát hạch lại, chưa đủ điều kiện để học tiếng Anh giao tiếp nên phải học lại từ đầu.
Ngày, một buổi đi vật lý trị liệu, một buổi đến xưởng vẽ, tối đi học tiếng Anh. Khi vốn tiếng Anh đã hòm hòm, kiến thức hội họa chưa giỏi nhưng cũng đủ để cho mình kiếm cơm, hơn nữa, biết đôi chân của mình vĩnh viễn không thể đi lại được bình thường, tôi quyết định về quê lập nghiệp. đó là vào năm 2000”, Đức cho biết thêm.
Dù chưa một ngày tới trường, bằng tự học, Chu Vinh Đức đã hoàn thành chương trình THPT. Với năng khiếu sẵn có và niềm đam mê không mệt mỏi, Đức đã hiện thực hóa ước mơ với một xưởng vẽ tranh của riêng mình.
Gặp Chu Vinh Đức (SN 1979, trú tại phường Lê Lợi, TP Vinh, Nghệ An) trong xưởng vẽ bừa bộn ở gần đường tàu, anh lý giải: “Mình vừa chuyển xưởng tới đây nên chưa kịp dọn dẹp gì cả. Xưởng cũ chật chội quá”.
Ngồi trên chiếc ghế gỗ có gắn bánh xe tự chế, Đức di chuyển khắp phòng khi thì lấy giấy, pha màu, khi giao dịch với khách. Cái xưởng nho nhỏ này cũng là “nồi cơm” của gia đình bé nhỏ của Đức.
Họa sỹ khuyết tật Chu Vinh Đức
Sinh ra trong gia đình không ai có năng khiếu về nghệ thuật, từ nhỏ, cậu bé Đức đã thích vẽ nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức “vẽ chơi cho vui”. Nhưng rồi, năm lên 4 tuổi, sau một trận sốt, Chu Vinh Đức bị bại liệt 2 chân. Chạy chữa trong Nam ngoài Bắc các bác sỹ cũng không khiến đôi chân của Đức đứng lên được. Cố gắng níu kéo hy vọng, bố mẹ Đức đưa con vào TP.HCM để điều trị và luyện tập tại Trung tâm chỉnh hình.
“Hồi đó cứ đi chữa bệnh suốt, vài tháng mới về nhà một lần nên anh không có điều kiện được đến trường hay học một cách bài bản. Các bạn cùng trang lứa đi học, mình thì mua sách để tự học. Chỗ nào không biết thì hỏi các bạn, hỏi bố mẹ, các y bác sỹ, chủ yếu là học các môn cơ bản thôi.
Học xong chương trình lớp 10 (tương đương với lớp 12 bây giờ), nghĩ vậy là được nên cũng không đăng ký thi tốt nghiệp. Cũng may nghề mình không đòi hỏi bằng cấp nên cũng không ảnh hưởng nhiều lắm”, anh Đức tâm sự.
Những ngày tháng nằm viện và rong ruổi chữa bệnh, niềm đam mê vẽ của Chu Vinh Đức càng được phát huy. Bất kỳ lúc nào rảnh rỗi, Đức đều vẽ, vẽ một cách say sưa dù chưa biết khái niệm về màu sắc, bố cục, hình khối.
Hết đợt điều trị, được về quê dài ngày, bố mẹ đăng ký cho Đức tham gia lớp năng khiếu tại Nhà văn hóa thiếu nhi Việt – Đức. Ở đó, Đức được học “vỡ lòng” về hội họa.
Lại chuyển vào Sài Gòn để chữa bệnh, Đức chỉ biết miệt mài bên giá vẽ với những kiến thức cơ bản đã được học ở Nhà văn hóa thiếu nhi Việt – Đức nhưng cũng đã kịp định hình tương lai của mình.
Một ngày, Đức mới kịp chú ý, ngay trên con đường từ chỗ trọ tới Trung tâm chỉnh hình là một xưởng vẽ. Đức chỉ biết đó là của một người họa sỹ tên Hạnh. Đức muốn học vẽ nhiều hơn, học không chỉ để thỏa mãn đam mê của mình mà học để kiếm lấy một cái nghề nuôi thân.
Rụt rè lê chiếc nạng gỗ vào xưởng vẽ, ông họa sỹ lắc đầu: “Cậu về đi, tôi không có ý định dạy nghề cho ai cả”. Năn nỉ, thuyết phục không lay chuyển được người họa sỹ, Đức xin phép hàng ngày được đến đây ngồi xem thợ vẽ tranh. Có lẽ chàng trai khuyết tật cứ đều đặn tới và ngồi xem thợ vẽ một cách say mê đã khiến người họa sỹ cảm động, ông phá lệ nhận Đức làm học trò.
Tiếng là nhận làm học trò nhưng ông để Đức tự học, tự cảm nhận màu sắc, hình khối, bố cục từ các bức tranh của ông hay các tác phẩm hội họa nổi tiếng khác. Người em trai của họa sỹ cũng ở trong ngành, thương Đức nên đã “phụ đạo” thêm cho. Cứ thế, Chu Vinh Đức bồi đắp kiến thức hội họa và niềm đam mê bằng cách riêng của mình.
“Thời gian học việc ở Sài Gòn, tôi nhận thấy khách Tây đến thuê thợ chép tranh rất nhiều. Nếu mình không biết ngoại ngữ thì thật là bất lợi, nhất là khi đó tôi đã có ý định mở riêng cho mình một xưởng vẽ tranh ở TP Vinh. Thế là quyết tâm đi học tiếng Anh. Thực ra hồi ở quê tôi đã học tới bằng C rồi nhưng vào đây sát hạch lại, chưa đủ điều kiện để học tiếng Anh giao tiếp nên phải học lại từ đầu.
Ngày, một buổi đi vật lý trị liệu, một buổi đến xưởng vẽ, tối đi học tiếng Anh. Khi vốn tiếng Anh đã hòm hòm, kiến thức hội họa chưa giỏi nhưng cũng đủ để cho mình kiếm cơm, hơn nữa, biết đôi chân của mình vĩnh viễn không thể đi lại được bình thường, tôi quyết định về quê lập nghiệp. đó là vào năm 2000”, Đức cho biết thêm.
Về nhà, Đức quyết định mở một xưởng vẽ tranh. Ban đầu chỉ là vẽ tranh chân dung truyền thần, sau đó, theo yêu cầu của khách hàng, Chu Đức Vinh quyết định chuyển sang chép tranh.
Nhưng ở Vinh, không nhiều khách Tây thuê chép tranh như trong Sài Gòn. Nhiều khi thèm được giao tiếp bằng tiếng Anh để duy trì vốn ngoại ngữ, cứ thấy người nước ngoài là tìm cách bắt chuyện, hỏi họ có cần giúp đỡ gì không để được nói tiếng Anh.
Không có cơ hội sử dụng vốn liếng ngoại ngữ đã học, Đức quyết định mở lớp dạy tiếng Anh cho các em học sinh gần nhà. “Từ hồi lấy vợ, lớp tiếng Anh phải nghỉ vì tôi chưa sắp xếp được thời gian”, Đức cho hay.
Chính cái năng khiếu hội họa đã giúp Đức “cưa” đổ cô vợ bây giờ. Võ Thị Thu Huyền từ Diễn Châu vào Vinh làm công nhân cho một xưởng gỗ gần nhà Đức. Cô bé xinh xắn, lý lắc đã hớp hồn chàng họa sỹ khuyết tật. Đức vẽ bức chân dung của Huyền rồi tặng lại cho cô coi như món quà làm quen.
Rồi tình yêu giữa cô công nhân và chàng họa sỹ tật nguyền chớm nở nhưng lại không nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình Huyền bởi mọi người sợ một cô gái trẻ như Huyền (Huyền sinh năm 1990) chưa lường hết sự vất vả, khó khăn khi gắn bó với một người khuyết tật như Đức.
Nhưng rồi, tình cảm của hai người đã được bố mẹ Huyền chấp nhận, hơn nữa, khâm phục quyết tâm vượt lên số phận của Đức, bố mẹ cô thấy Đức có thể là chỗ dựa vững chãi cho con gái mình. Một đám cưới giản dị, ấm áp diễn ra vào cuối năm 2010. Lấy chồng, Huyền bỏ công việc ở xưởng gỗ, ở nhà phụ chồng vẽ tranh, giao hàng hay giao dịch với khách.
Có người phụ tá, Đức có nhiều thời gian hơn để tham gia hoạt động của Hội bảo trợ người tàn tật TP Vinh hay CLB văn nghệ người khuyết tật. Với vốn tiếng Anh và năng khiếu ca hát, Đức trở thành hạt nhân của phong trào văn nghệ người khuyết tật kiêm phiên dịch viên của Hội mỗi khi cần làm việc với các đoàn khách Quốc tế. Năm 2012, Đức vinh dự được tham dự ĐH người khuyết tật Châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức ở Nhật Bản.
“Người khuyết tật trước hết phải tự giúp mình trước khi chờ đợi sự giúp đỡ của xã hội. Mình phải tự cố gắng, bởi không ai có thể sống thay được mình cả. Cuộc đời tuy không may mắn nhưng rất ý nghĩa nếu biết vươn lên để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”, Đức tâm sự.
Nguồn: Báo điện tử Dân Trí