Bệnh lý còn ống phúc tinh mạc rất phổ biến ở trẻ nhỏ, cứ 100 trẻ sinh đủ tháng thì có 3-5 trẻ mắc bệnh, tỉ lệ này tăng lên gấp 3 lần ở trẻ sinh non.
TS.BS Nguyễn Hoài Bắc – Trưởng khoa Nam học và Y học Giới tính, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh lý còn ống phúc tinh mạc (OPTM) là bệnh lý bẩm sinh xảy ra do OPTM (ống bẹn) ở trẻ nam (hay ống nuck ở trẻ nữ) không xơ hóa hoặc xơ hóa không hoàn toàn, dẫn tới OPTM còn lại phát triển thành một trong số bệnh lý như: Thoát vị bẹn, tràn dịch màng tinh hoàn, nang nước thừng tinh.
Bệnh lý còn OPTM rất phổ biến ở trẻ nhỏ, cứ 100 trẻ sinh đủ tháng thì có 3-5 trẻ mắc bệnh, tỉ lệ này tăng lên gấp 3 lần ở trẻ sinh non, đặc biệt trẻ sinh non dưới 30 tuần, thiếu cân < 1.500g thì tỷ lệ mắc các bệnh do còn ống phúc tinh mạc cao gấp 20 lần so với trẻ đủ tháng.
Ở trẻ nam tỉ lệ mắc bệnh cao gấp 6 lần so với trẻ nữ. Trong các thể bệnh còn OPTM thì thoát vị bẹn chiếm 80,2%, tràn dịch màng tinh hoàn 13,3% và nang nước thừng tinh chiếm 4,94%.
Bệnh dễ phát hiện
Bệnh thường dễ phát hiện nhưng nếu cha mẹ không chú ý thường dễ bỏ qua. Bệnh có các biểu hiện khi quan sát vùng bìu, bẹn của trẻ thấy có khối bất thường và mất cân xứng. Khối phồng thay đổi kích thước, lúc to, lúc nhỏ theo tư thế, khi trẻ đi, đứng, chạy nhảy nhiều hoặc trẻ ho, rặn thì khối to lên, khi trẻ nằm thì khối sẽ biến mất. Bìu 1 bên căng to, mất nếp nhăn so với bên đối diện.
Sờ nắn có thể thấy khối mềm, bóp xẹp trong trường hợp tràn dịch màng tinh hoàn. Sờ khối mềm, tiếng lọc xọc, ấn đẩy khối về phía bẹn thấy khối xẹp trong trường hợp thoát vị bẹn. Hoặc sờ thấy khối căng, bề mặt nhẵn di động, khối có thể hình tròn hoặc hình giọt nước nằm dọc vùng bẹn nếu là nang nước thừng tinh.
“Trẻ mắc bệnh còn OPTM thường không có những biểu hiện nặng cho tới khi bệnh diễn tiến thành các biến chứng. Khi đó trẻ có thể quấy khóc nhiều, kêu đau vùng bẹn, bụng dữ dội, bỏ ăn, bỏ bú, bụng chướng, có thể kèm theo sốt” – chuyên gia Nam học cho hay.
Các biến chứng có thể xảy ra
Khi trẻ mắc bệnh còn OPTM có thể xảy ra các biến chứng như:
– Thoát vị bẹn nghẹt: Nghẹt hoại tử ruột do ruột hoặc mạc treo ruột không chui về ổ bụng được mà bị kẹt tại vùng cổ ống bẹn.
– Rối loạn tiêu hóa, trẻ chậm lớn, bụng chướng hơi.
– Trẻ bị táo bón, không thể đi đại tiện được.
– Ảnh hưởng tới tinh hoàn ở bé trai: xoắn tinh hoàn, tinh hoàn chậm phát triển, teo tình hoàn.
– Ảnh hưởng đến buồng trứng ở bé gái.
– Vỡ nang thừng tinh, gây chảy máu, nhiễm trùng
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện những bất thường vùng bìu bẹn của trẻ các bậc phụ huynh nên đưa con tới gặp các chuyên gia về Nhi khoa, Nam khoa để được thăm khám, phát hiện và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng xấu ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của trẻ sau này.
Nguồn: Lê Nguyên – Sức Khỏe và Đời Sống