“Có những lúc tưởng chừng như mình phải dừng lại, nhưng khi nhìn lại, mình thấy một tia hi vọng, một tình yêu, một sự thay đổi của bất kỳ ai xung quanh mình, thì đó chính là nguồn cảm hứng để mình có thể đi tiếp”.
Toạ đàm chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng của những người khuyết tật khởi nghiệp thành công.
Những người phụ nữ khuyết tật đã chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020 với chủ đề “Khởi nghiệp sáng tạo – Kết nối thành công” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Câu chuyện của Nguyễn Thị Thu Hiền (Hiền Suri) – chủ một doanh nghiệp sản xuất ghế đá Granito cho các trường học, bệnh viện đã khiến nhiều người cảm phục. Tốt nghiệp 2 trường đại học chuyên ngành Kế toán, chị Hiền mơ ước sau này sẽ mở công ty riêng.
“Sau khi tốt nghiệp, tôi làm cùng lúc 3 công việc, đúng chuyên ngành, nhưng mức lương nhận được chưa đến 3 triệu/ tháng. Lúc đấy, tôi mới nghĩ ‘ôi, thế này thì bao giờ mình mới giàu?’.”
Từ suy nghĩ mình muốn cho người khác cái gì thì mình phải có cái đó, chị quyết tâm chọn một con đường khác cho riêng mình.
“Tôi dừng công việc kế toán để khởi nghiệp. Năm 2010, tôi mở công ty chuyên sản xuất ghế đá cho các bệnh viện, trường học. Lúc tôi mở công ty, cả nhà, cả họ phản đối. Bố mẹ nói rằng tôi nên chọn một công việc an toàn. Nhưng lúc ấy, tôi đã trả lời rằng ‘con sẽ không đi theo suy nghĩ của đám đông. Con biết con làm được và chắc chắn làm được’”.
Khao khát làm giàu chính đáng, khao khát được trở thành người có giá trị là động lực giúp chị đi đến ngày hôm nay. Chưa dừng lại ở đó, năm 2011, chị mở dịch vụ kinh doanh Billiards Snocker – Coffee – một môn thể thao giải trí lành mạnh. Sau 7 năm ra đời, chị đã tổ chức được 3 mùa giải cho những người chơi bi-a nghiệp dư và có những phần thưởng giá trị cho người đạt giải. Đây là việc mà không phải người kinh doanh Billiards Snocker nào cũng làm được. Doanh nghiệp sản xuất ghế đá của chị cũng tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương từ 5,5 – 6,4 triệu đồng/ tháng.
Ngoài công việc kinh doanh, Hiền Suri còn thích tham gia công tác thiện nguyện.
Để làm được những việc đó, chị luôn tâm niệm rằng đầu tư vào chính mình là đầu tư có lợi nhất. “Tôi luôn cố gắng duy trì trạng thái tốt ở cả 3 mặt: trí tuệ, sức khoẻ và tinh thần”.
Một bí quyết khác mà nữ doanh nhân chia sẻ, đó là: đừng chờ thời cơ đến, mà phải chủ động nắm bắt. “Hãy liên tục học hỏi và quên đi khuyết tật của mình. Nếu bạn chỉ nhìn vào nó, bạn sẽ chẳng làm được gì cả”.
Thầy giáo công nghệ thông tin “tí hon” Nguyễn Văn Hùng chia sẻ câu chuyện của mình.
Cũng giống như Thu Hiền, thầy giáo tí hon Nguyễn Văn Hùng sinh ra kém may mắn hơn người khác. Nhưng khi có mặt trên sân khấu với những người phụ nữ khuyết tật thành công, Hùng tâm sự rằng: “Tôi thấy mình may mắn vì vẫn đi lại được bình thường và khoẻ mạnh như những người khác”.
Ngày nhỏ, khi nhìn thấy thầy cô đứng trên bục giảng, Hùng cũng từng mơ ước được là thầy giáo. “Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm được, bởi vì ngoại hình tôi thế này thì dạy ai, dạy cái gì”.
Tốt nghiệp phổ thông, Hùng vào Sài Gòn học trung cấp Công nghệ thông tin. Sau đó, cậu bén duyên với Trung tâm Nghị lực sống. Ở đây, Hùng dạy cho những người khuyết tật như mình các kỹ năng công nghệ để họ có thể tự kiếm sống bằng sức lao động của mình.
“Tôi may mắn được các bạn quý mến. Có lẽ một phần do mình là người khuyết tật, phần khác mình cùng hoàn cảnh ở quê ra như các bạn nên hiểu được những tâm tư, suy nghĩ của các bạn”. Cứ thế, Hùng gắn bó với trung tâm cho đến nay mặc dù cậu có thể làm việc ở những nơi khác có mức thu nhập cao hơn. Nhưng cậu nói rằng, ở đây, cậu thấy mình có giá trị.
Hùng cũng bày tỏ mong muốn, gia đình người khuyết tật hãy tạo điều kiện cho con em mình được đi học, được tiếp xúc với cộng đồng nhiều nhất có thể để họ sớm tự lập và đứng vững bằng chính khả năng của mình.
Đó cũng là lý do khiến chị Nguyễn Lan Anh – người sáng lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng ACDC – đã từ bỏ những công việc an toàn khác để theo đuổi ước mơ.
Mang trong mình căn bệnh xương thuỷ tinh, chị Lan Anh được gia đình định hướng cho học sư phạm, biên dịch. Nhưng sau khi ra trường, công việc đầu tiên của chị là làm makerting cho một công ty. Rồi chị phát hiện ra xung quanh mình có nhiều người khuyết tật không may mắn có một công việc như chị. Suy nghĩ làm thế nào để giúp họ bắt đầu nhen nhóm trong chị. Rồi đến một ngày, chị từ bỏ công việc cũ để chuyển sang một công việc nhiều thử thách hơn.
“Đã có những lúc trong két sắt của trung tâm chỉ còn hơn 300 nghìn đồng. Đã có những lúc nghĩ rằng ‘hay mình quay về đi làm công ăn lương cho người khác’”.
Nhưng rồi chị và các đồng nghiệp đã chọn không lùi bước. Đến bây giờ, Trung tâm của chị đã lớn mạnh, đã quản lý những nguồn vốn hàng triệu đô la, có văn phòng ở các tỉnh thành trên cả nước, có mạng lưới kết nối ở ASEAN và các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
“Để làm được như thế không phải là dễ dàng và cũng không phải là tất cả công của mình. Chính những đồng nghiệp đã truyền cảm hứng cho mình. Có những lúc tưởng chừng như mình phải dừng lại, nhưng khi nhìn lại, mình thấy một tia hi vọng, một tình yêu, một sự thay đổi của bất kỳ ai xung quanh mình, thì đó chính là nguồn cảm hứng để mình có thể đi tiếp”.
Tuy nhiên, qua câu chuyện của chính mình và của những người khuyết tật khác, chị muốn gửi đi một thông điệp rằng: Dù người khuyết tật có nỗ lực thế nào đi chăng nữa, nhưng nếu không có con đường mở rộng cho họ thì cũng vô ích. Mong muốn của chị là các doanh nhân hãy mở rộng con đường, những cánh cửa để đón nhận những người khuyết tật tham gia vào thị trường lao động.
Nguồn: Vietnamnet