Sáng 2-12, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội, các Hội đồng khoa học Ban Tuyên giáo T.Ư, các cơ quan Đảng T.Ư và Ban Kinh tế T.Ư phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia, chủ đề “Công tác xã hội đối với người khuyết tật”.
Hơn 40 tham luận và ý kiến trình bày trực tiếp tại Hội thảo của đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), các cơ quan, ban Đảng T.Ư, viện nghiên cứu và trung tâm trợ giúp người khuyết tật đã tập trung phân tích, thảo luận các vấn đề về nhận thức, kết quả và hạn chế, đề xuất các giải pháp thiết thực, nhằm tăng cường công tác xã hội đối với người khuyết tật (NKT), bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm của Việt Nam.
Theo kết quả Điều tra quốc gia về người khuyết tật tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê và UNICEF công bố ngày ngày 11-1-2019, ở Việt Nam hiện có khoảng hơn 6,2 triệu người (hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên) là người khuyết tật. Bên cạnh đó, có gần 12 triệu người (khoảng 13% dân số), sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên cùng xu hướng già hóa dân số.
Tỷ lệ người bị khuyết tật ở Việt Nam từ 5 tuổi trở lên là 3,7%. Tỷ lệ khuyết tật của nữ giới cao hơn nam giới (nữ: 4,4%; nam: 3,1%), khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị (nông thôn: 3,9%; thành thị: 3,3%). Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung có tỷ lệ NKT cao nhất cả nước (4,5%); Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ NKT thấp nhất (đều bằng 2,9%).
Tỷ lệ khuyết tật chịu ảnh hưởng mạnh bởi cơ cấu tuổi, nhóm tuổi từ 60 tuổi trở lên có tỷ lệ khuyết tật cao nhất (20,7%), cao hơn nhiều so tỷ lệ khuyết tật của cả nước (3,7%).
Những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn; trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa; cơ hội việc làm cho người khuyết tật cũng thấp hơn những người không khuyết tật.
Cho dù người khuyết tật là đối tượng được hưởng chính sách BHYT và nghèo không phải là rào cản đối với việc tiếp cận các cơ sở y tế, nhưng rất ít người khuyết tật (2,3%) tiếp cận được dịch vụ phục hồi chức năng khi bị ốm hoặc bị thương.
Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những bất bình đẳng về mức sống và tham gia xã hội đối với người khuyết tật. Đến cấp THPT chỉ có chưa đến 1/3 trẻ khuyết tật đi học đúng tuổi, so với tỷ lệ 2/3 trẻ em không khuyết tật. Mặc dù việc đưa trẻ em khuyết tật vào hòa nhập với trẻ em khác và học chung giáo trình đã cho những kết quả tích cực, nhưng chỉ có 2% trường tiểu học và THCS thiết kế phù hợp với học sinh khuyết tật và khoảng 1/7 số trường có một giáo viên được đào tạo về khuyết tật.
Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đối với công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có NKT. Việt Nam đã tham gia tích cực và hiệu quả vào Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (NKT), ban hành nhiều chính sách trợ giúp NKT đem lại hiệu quả thiết thực, giúp NKT tự tin vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Hệ thống luật pháp về NKT cũng đã được hoàn thiện từng bước. Luật Người khuyết tật đã được ban hành và có hiệu lực thi hành vào ngày 17-6-2010, cùng với đó đã ban hành 6 Nghị định, 21 Thông tư và nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật. Ủy ban quốc gia về NKT đã được thành lập và được tổ chức cả ở cấp T.Ư và địa phương; Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1019 ngày 5-8-2012 về việc phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 và Quyết định số 1100 ngày 21-6-2016, phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước quốc tế về quyền của NKT của Thủ tướng Chính phủ.
Gần đây nhất, ngày 1-11-2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW của về Tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT và ngày 20-11-2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi trong đó có nhiều nội dung điều chỉnh liên quan đến lao động là NKT…
Tổng cộng, từ năm 2016 đến nay, một số văn bản liên quan NKT tiếp tục được nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và ban hành. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành 37 văn bản bao gồm: Nghị định, thông tư, quyết định, công văn nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn việc thực hiện các chính sách đối với NKT trong các lĩnh vực như: Giáo dục, dạy nghề, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giao thông, y tế chăm sóc sức khỏe cho NKT…
Quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở chăm sóc NKT tiếp tục được củng cố và phát triển từ T.Ư đến địa phương. Hiện cả nước có 50 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, trong đó, 18 tỉnh triển khai tới cấp huyện, xã. 63 bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng, 100% bệnh viện đa khoa tuyến T.Ư và tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng và cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng cho người bệnh
Hiện cả nước đã có bốn trường đại học sư phạm và ba trường cao đẳng sư phạm thành lập khoa Giáo dục đặc biệt, và mở các mã ngành đào tạo hằng năm hơn 600 giáo viên dạy trẻ khuyết tật.
Các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập đã được thành lập và hoạt động hiệu quả. Năm 2019, cả nước tuyển sinh khoảng 20.000 NKT trình độ sơ cấp, dưới ba tháng và đã giải quyết việc làm cho 1,508 triệu lao động, trong đó khoảng 10% là NKT.
Năm 2019, ngân sách nhà nước đã bố trí cho địa phương 17.517 tỷ đồng để thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP và 131 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT.
Đến nay, cả nước có hơn một triệu NKT nặng và đặc biệt nặng, khoảng 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và hàng triệu NKT, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức của NKT đã tích cực huy động nguồn lực xã hội, cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt mọi mặt của NKT. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, trong đó có cho vay ưu đãi đối với NKT và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là NKT.
Năm 2019, đã hỗ trợ cho 2.277 NKT vay vốn để tạo việc làm, duy trì việc làm và mở rộng việc làm; trong đó, riêng Hội Người mù Việt Nam được giao gần 51 tỷ triển khai tại 51 tỉnh, thành phố cho gần 10.000 hộ người mù tạo việc làm ổn định cho hơn 13.000 lao động là NKT.
Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã giúp đỡ 4,1 triệu lượt NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo. Văn phòng Ủy ban quốc gia Người khuyết tật hỗ trợ sinh kế cho trên 150 gia đình có NKT tại tám tỉnh, thành phố…
Cùng sự vào cuộc của các cấp chính quyền, hoạt động trợ giúp NKT trong xã hội cũng đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Thông qua các hoạt động trợ giúp, sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hoạt động trợ giúp NKT của người dân và các cấp chính quyền cũng có sự thay đổi căn bản, chuyển từ trợ giúp mang tính nhân đạo sang trợ giúp phát triển với việc ban hành nhiều chính sách bảo đảm an sinh cho NKT, thúc đẩy chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề, tạo sinh kế phù hợp giúp NKT tự tin, tự lập trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, công tác trợ giúp NKT còn gặp một số khó khăn, như vẫn còn sự phân biệt đối xử với NKT; mức trợ cấp còn thấp và hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, năng lực đội ngũ cán bộ nhân viên…
Tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung, khắc phục một số vướng mắc, bất cập còn chậm. Còn một số bộ, ngành, địa phương thiếu quan tâm, coi công tác NKT là trách nhiệm của riêng ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, nên chưa xây dựng kế hoạch thực hiện các chính sách hỗ trợ NKT hằng năm và cả giai đoạn, không có giải pháp để tổ chức thực hiện mục tiêu về trợ giúp NKT thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của mình.
Một số địa phương chưa thành lập Ban công tác NKT, hoặc đã thành lập nhưng hoạt động mang tính hình thức. Rào cản về tiếp cận giao thông, đi lại vẫn là một trong những vấn đề khó khắc phục nhất, nhất là ở khu vực nông thôn, khó bảo đảm lộ trình bảo đảm tiếp cận giao thông và công trình công cộng theo quy định của Luật NKT.
Việc xác nhận và cấp giấy chứng nhận NKT cho NKT nhẹ đạt kết quả thấp. Mức trợ cấp xã hội cho NKT còn thấp. Số lượng NKT được các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít. Việc thành lập tổ chức của NKT ở một số địa phương khó khăn, do không có sự tham gia của đại diện tổ chức hội của NKT tại cấp xã, phường nên ảnh hưởng đến hoạt động cấp giấy xác nhận khuyết tật ở cấp xã.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo đã nhấn mạnh, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về NKT phù hợp Hiến pháp và Công ước quốc tế về quyền của NKT; các cơ quan chức năng và địa phương cần tập trung rà soát, đánh giá các đề án chương trình giai đoạn tới.
Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT nhằm tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và các tầng lớp nhân dân về công tấc NKT. Tăng cường kiểm tra hoạt động trợ giúp NKT tại một số bộ, ngành, địa phương…
Đồng thời, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về NKT; thúc đẩy kết nối hoạt động của các bộ, ngành để thực hiện chính sách tốt hơn. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về trợ giúp NKT; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức xã hội đối với các tổ chức của NKT…
Cùng với đó, các hội, đoàn thể cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho NKT như dạy nghề, tạo việc làm, trợ cấp, tặng quà…; tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật tiếp cận các chính sách chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, tín dụng, bảo trợ xã hội, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, đi lại; xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội, góp phần tăng nhanh số lượng người khuyết tật tham gia mạng lưới an sinh xã hội.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người khuyết tật; xây dựng tiêu chuẩn các cơ sở hạ tầng thiết yếu phù hợp cuộc sống của NKT, tạo cơ hội bình đẳng cho NKT; đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp NKT, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp NKT; đề cao vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc trợ giúp NKT.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng cho NKT; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để trợ giúp cho NKT; khuyến khích NKT có khả năng học tập, lao động khắc phục khó khăn, vươn lên sống độc lập, hòa nhập xã hội, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội và giúp đỡ NKT khác; tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật về NKT, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng xã hội đối với NKT.
Nguồn: TS NGUYỄN MINH PHONG – Báo Nhân Dân