Giáo dục mở đã tạo ra những suy nghĩ khác: Người dạy không duy nhất là giáo viên, người học không nhất thiết phải cùng độ tuổi, học liệu không hẳn là sách giáo khoa, kết quả học không chỉ là điểm số, lớp học không đồng nhất là không gian, thời gian cụ thể…
Từ “con người phát triển toàn diện” đến “phát triển toàn diện con người”
Chúng ta đang thực hiện Luật Giáo dục (2005): “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện…” thì từ “đào tạo” thường dẫn đến cách hiểu giáo dục chỉ ở phạm vi trong nhà trường trong khi để hình thành nhân cách con người, giáo dục nhà trường chỉ là một con đường, không phải là duy nhất.
Còn nhiều con đường khác: Lao động, hoạt động và giao lưu của chủ thể tiếp ứng, chuyển hóa ảnh hưởng tác động của môi trường để trưởng thành…“việc học lấy tự học làm cốt” (Hồ Chí Minh).
Đồng thời, giáo dục gia đình, giáo dục xã hội cần phải được xem là thành phần hữu cơ trong quan hệ với giáo dục nhà trường. Giáo dục nhà trường cũng không phải là nhân tố duy nhất quyết định trực tiếp đến chất lượng con người.
Giáo dục là chủ đạo ở việc sử dụng những ưu điểm của di truyền, những tích cực của môi trường và tính tích cực của cá nhân để thúc đẩy phát triển con người; đồng thời khắc phục khiếm khuyết của di truyền, ngăn chặn tác động xấu của môi trường và kiềm chế những nhu cầu tiêu cực của cá nhân để giáo dục, uốn nắn con người.
Do vậy giá trị cao nhất của giáo dục trong quan hệ này là ở chỗ chủ đạo. Hiểu đúng điều này để xác nhận sự đóng góp của giáo dục đối với phát triển con người là tạo cơ hội và điều kiện là chủ yếu, thúc đẩy các nhân tố tích cực để quá trình phát triển nhân cách phải do chính con người quyết định…Từ đây, gỡ bỏ cách hiểu không đúng về trách nhiệm nhà trường là duy nhất hoặc giáo dục là “vạn năng” đối với sự phát triển của trẻ.
Nếu thay đổi (dự thảo 7/2018): “Mục tiêu giáo dục là phát triển toàn diện con người…” sẽ được hiểu là định hướng rộng về phương thức, tạo điều kiện, xác định rõ mục tiêu “phát triển toàn diện con người”. Đây là tư tưởng khai phóng, tự do và dân chủ, khác với mục tiêu “con người Việt Nam phát triển toàn diện” chỉ thể hiện sự kì vọng không dễ thực hiện.
Từ mục tiêu này, đã có thể thể hiện đầy đủ hơn về ý tưởng giáo dục mới, logic với với vế sau: “…Phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân…”; đồng thời giáo dục ở đây được hiểu rộng hơn, hàm chứa tư tưởng tạo điều kiện (tự học) để con người phát triển hơn là phạm vi hẹp trong chương trình đào tạo của nhà trường. Trong Thư gửi cho học sinh (5/9/1945) Bác Hồ viết: “…Một nền GD làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Tư tưởng của Bác Hồ đã đặt nền tảng để chúng ta xây dựng nền giáo dục dân chủ, khai phóng, sáng tạo trên nền tảng giáo dục mở.
Giáo dục mở trước hết xuất phát từ con người, cho con người và vì con người (tư tưởng nhân văn); đảm bảo cho tư tưởng khai phóng (tự do cá nhân); mở là coi trọng thực tiễn (thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lí); mở là tạo không gian và thời gian, điều kiện để chủ thể chủ động, tích cực tham gia.
Giáo dục mở đã tạo ra những suy nghĩ khác: Người dạy không duy nhất là giáo viên, người học không nhất thiết phải cùng độ tuổi, học liệu không hẳn là sách giáo khoa, kết quả học không chỉ là điểm số, lớp học không đồng nhất là không gian, thời gian cụ thể…
Giáo dục sáng tạo ra con người – con người sáng tạo ra lịch sử
Mục tiêu giáo dục thay đổi sẽ đem lại điều gì? “Không chỉ nhìn vào gương chiếu hậu để tiến lên phía trước”. Thực chất của việc phát minh ra máy hơi nước của Giêm- oát (thế kỉ XVIII) đã làm thay đổi một nguyên lí quan trọng từ “nguyên lí thô sơ” sang “nguyên lí máy”.
Chúng ta vẫn phụ thuộc khá nhiều vào máy móc và phương tiện, nhưng chính lối “tư duy ngược” khi dùng điện thoại (sao phải có dây?), tàu hỏa (sao phải có bánh), sẽ ra đời điện thoại không dây và tầu chạy trên đệm từ…Cứ như vậy, sẽ xuất hiện cách mạng công nghiệp 3.0 và 4.0.
Ở lĩnh vực nhân văn, cho rằng mục tiêu học là để “chúng ta chinh phục thiên nhiên…” thì nếu coi trọng tư duy phản biện, chúng ta không phải mất hàng trăm năm để nhận thức đúng rằng “chúng ta cần học cách sống hòa điệu với thiên nhiên”. Giáo dục đang cần “tạo ra” những con người có tư duy như thế.
Do vậy, khi giáo dục đại học đang bị phê phán rằng điểm chuẩn thấp và xã hội lo ngại về chất lượng nhân lực thì cũng cần bình tĩnh để “nghĩ lại” một chút. Có thể biết đâu trong số những người có điểm chuẩn thấp ấy có người trở thành ích lợi cho xã hội nhiều hơn những người có điểm số đầu vào, đầu ra đều xuất sắc? Vì hiệu quả và thước đo ở chất lượng công việc sau này chứ không hẳn từ bằng cấp.
Nếu kì thị với một sinh viên với chuẩn đầu vào thấp, đầu bù tóc rối, không ăn ngủ sinh hoạt theo nề nếp kỉ cương nhà trường, ưa phản đối giảng viên và hay nói ngược…biết đâu được trong tương lai đó là người xuất chúng? Cũng chính Edison đã từng bị đuổi học và cũng đã chính ông cho rằng: “Bất mãn là sự sự cần thiết đầu tiên cho tiến bộ -Discontent is the first necessity of progress”. Thực ra câu trả lời rất đa dạng cũng đã có khi chúng ta gặp mặt nhau vào dịp kỉ niệm 10, 20 năm sau tốt nghiệp.
Đáp ứng nhu cầu xã hội hay dẫn đường cho xã hội?
Sự thành công hay thất bại của giáo dục đại học đều có nguyên nhân mang tính lịch sử. Trong khi chúng ta còn thảo luận về cụm từ “giáo dục phi lợi nhuận” thì bản chất sáng tạo của giáo dục đại học vẫn cần hiểu đúng.
Nếu nhu cầu xã hội của một xã hội thấp thì trình độ giáo dục không cần đến giáo dục đại học. Vị trí khai sáng và dẫn đường xã hội phải là trọng số của các trường đại học, giáo dục ở cấp độ nào cũng phải là “vầng trán của cộng đồng” (J. Rút-xô).
Cách dạy của người Mỹ khi dạy về sự rơi của các vật là dẫn người học lên mái nhà và thả từng thứ xuống đất, trong khi giáo viên châu Á trình chiếu Powerpoint trong lớp học…đã lí giải một phần vì sao nước Mỹ có nhiều giải Nô-ben, đồng thời cũng là ví dụ có thể giải thích cho những giáo viên thường kêu ca về điều kiện đổi mới phương pháp dạy học.
Đánh giá về những học trò không trả lời được câu hỏi thì giáo viên Mỹ hỏi lại: “em là người có khả năng tại sao hôm nay em không bộc lộ?” và tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ người học. Chúng ta đang loay hoay tìm chuẩn (chí ít là chuẩn cử nhân) trong khi đã từ lâu ông Lí Quang Diệu (ở Việt Nam là GS Tạ Quang Bửu) đã nói: “Người tốt nghiệp đại học là người biết cách tự học”.
Người học phải là người được làm việc trong môi trường sư phạm, với ý đồ và tình huống giáo dục trong quá trình tương tác với bạn bè và giáo viên. Ai cũng thán phục hình thức giáo dục ở Mỹ ngay từ tiểu học các em đã phải đọc sách lịch sử chiến tranh và trả lời những câu hỏi: Chiến tranh có tác hại như thế nào? Làm thế nào để không xảy ra chiến tranh?…Trong khi chúng ta mới chỉ nhận ra những câu hỏi khô cứng về lịch sử trong kì thi trắc nghiệm với điểm môn Sử năm 2018 rất thấp…mà chưa tìm đúng bản chất của giáo dục lịch sử đang cần cách tiếp cận khác.
Với người dạy, có một câu rất hay: “Nghề cao quý…sáng tạo nhất…” nhưng với cách tiếp cận năng lực (về bản chất năng lực là biết làm- sự “biết làm” này phải hiểu ở khía cạnh sáng tạo và truyền cảm hứng…của giáo viên hơn là kĩ năng cụ thể) nhưng chúng ta đang quá nhấn mạnh cách tiếp cận kĩ năng và thêm nữa là thiếu hẳn một vế cực kì quan trọng của người giáo viên mới- đó là trách nhiệm (UNESCO đã khuyến cáo).
Nếu thấu hiểu sâu sắc điều này sẽ lí giải được những “ồn ào” từ phía giáo viên khi thực hiện Thông tư 30 (về đánh giá học sinh tiểu học) và thực hiện mô hình giáo dục VNEN! Có lẽ chỉ ở nước ta mới có chuyện lãnh đạo chính quyền ra quyết định thực hiện hay không thực hiện mô hình này (thực chất là hình thức dạy học linh hoạt –trong khi việc này là quyền của giáo viên).
Điều này dễ lí giải hơn khi chúng ta đi thăm trường học ở nước ngoài, hiệu trưởng không trả lời chính xác được như ở Việt Nam về số lượng lớp đang học, vì theo họ, lớp học do giáo viên quyết định.
Khi quan sát lớp học chia ra các nhóm máy tính, nhóm cắt cỏ, nhóm làm hàng rào…trong cùng thời điểm, thì người hiệu trưởng nói: trong số này (học sinh) lớn lên sẽ có em đi làm hàng rào, cắt cỏ (!)… Phải chăng, đây mới chính là cách tiếp cận năng lực trong chương trình giáo dục –mặc dù, “đáng tiếc” là họ không viết thành câu chữ như chúng ta?
Qua 2 nhiệm kì tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã tổng kết trong diễn văn từ nhiệm: “Thay đổi sẽ không đến nếu chúng ta trông chờ vào người khác hoặc thời điểm khác. Chúng ta chính là sự thay đổi mà chúng ta đang chờ đợi, chúng ta chính là sự thay đổi mà chúng ta đang tìm kiếm”. Người viết tâm đắc cụm từ thay đổi và chúng ta.
Để kết thúc những suy nghĩ có trách nhiệm về giáo dục, cần nhìn vấn đề rộng hơn từ câu nói của ông Pu-tin sau 2 nhiệm kì đầu làm tổng thống Nga: có 2 điều làm suy yếu nước Nga, đó là tham nhũng và thiếu chuyên nghiệp! Điều thứ nhất, đã được Đảng, Chính phủ quyết tâm cao khi chỉ đạo thực hiện, còn để khắc phục điều thứ hai sẽ là sự đóng góp rất quan trọng của giáo dục.
GS.TS Phạm Hồng Quang
Theo Dân Trí