Mới đây, cô Bùi Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội Người khuyết tật (NKT) TP Cần Thơ, báo tin vui: “Tôi mới nghe thông tin Trường Đại học Võ Trường Toản nhận 3 em sinh viên khuyết tật mới ra trường vào làm việc. Tôi làm công tác Hội đã gần 10 năm nhưng chưa nghe một đơn vị nào ở TP Cần Thơ và các tỉnh, thành lân cận nhận một lúc đến 3 em khuyết tật vào làm việc”.
Điểm danh, chấm công… bằng dấu vân tay
Gần giờ vào học, rất nhiều sinh viên của Trường Đại học Võ Trường Toản xúm xít quanh máy quét dấu vân tay. Duy, sinh viên năm nhất, ngành Công nghệ thông tin (CNTT), Trường Đại học Võ Trường Toản, kể: “Trước mỗi buổi học, tôi chỉ cần đến trước máy quét dấu vân tay, đặt ngón tay vào trong vòng 2-3 giây là xong. Điểm danh bằng dấu vân tay rất tiện lợi”. Không chỉ sinh viên mà giảng viên trước khi lên lớp cũng ghé qua máy quét dấu vân tay để chấm công. Đây là thành quả của phần mềm tích hợp dấu vân tay do Nguyễn Minh Thuận, cán bộ của Trung tâm Công nghệ phần mềm – Trường Đại học Võ Trường Toản thực hiện. Đây cũng là sản phẩm đầu tay của Thuận ra mắt Ban giám hiệu trường. Thuận kể: “Qua tìm hiểu có một số công ty, doanh nghiệp cũng ứng dụng máy quét vân tay để chấm công nhưng giờ dạy, giờ học… của trường học thì khác với công ty, xí nghiệp nên mình phải viết phần mềm sử dụng cho phù hợp”.
Thuận lao vào tìm tài liệu trên mạng, hỏi thăm những thầy cô trong Trường Đại học Võ Trường Toản và Trường Đại học Cần Thơ. Sau nhiều tháng nghiên cứu, phần mềm tích hợp dấu vân tay được hoàn thành. Ban đầu, phần mềm này chỉ dùng để điểm danh sinh viên và chấm công, tính tiền lương cho giảng viên. Mới chạy thử, phần mềm cũng trục trặc 2-3 tháng trời. Sau nhiều lần điều chỉnh, phần mềm mới hoàn chỉnh. Về sau, anh Thuận tiếp tục mở rộng phần mềm này ra cho mượn sách thư viện, quản lý ký túc xá, tìm kiếm thời khóa biểu… Hiện nay, Thuận được tín nhiệm chọn làm quản lý Trung tâm Công nghệ phần mềm.
Cùng với Nguyễn Minh Thuận, còn có Hồ Quốc Mạnh và Đặng Chiến Thắng. Cả 3 người đều là NKT cùng được trúng tuyển vào làm việc tại Trường ĐH Võ Trường Toản. Đặng Chiến Thắng đang làm việc ở phòng Đào tạo; Hồ Quốc Mạnh và Nguyễn Minh Thuận cùng làm việc tại Trung tâm Công nghệ phần mềm. Thắng có nhiệm vụ theo dõi lịch giảng dạy của giáo viên, tiến độ học tập của sinh viên, hệ thống điểm thi… Hồ Quốc Mạnh đang đảm nhiệm quản trị trang web và hệ thống email của trường, phân tích các hệ thống thông tin, thiết kế các giao diện cho phần mềm, web… Mạnh còn đứng lớp giảng dạy về CNTT cho sinh viên.
Người khuyết tật chật vật tìm việc
Những giảng viên và cán bộ khác của trường làm việc 44 giờ/tuần, riêng 3 cán bộ NKT: Nguyễn Minh Thuận, Đặng Chiến Thắng và Hồ Quốc Mạnh được trường ưu tiên làm việc 40 giờ/tuần. Ngoài ra, nhà trường cũng phân công những công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe và thế mạnh của từng người. Với những ưu ái đó, cả 3 cán bộ này luôn cố gắng làm việc hết mình. Cô Hồ Nhật Mai Trâm, Trưởng phòng đào tạo, cho biết: “Thắng di chuyển rất khó khăn vì thế phòng phân công đảm nhiệm công việc ít di chuyển, nhưng bù lại đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ và chính xác. Công việc của Thắng cũng nhiều áp lực vì sau 3 ngày thi là phải công bố điểm các môn thi cho sinh viên, sau 2 tuần là phải công bố điểm của học kỳ, mà trường có đến mấy ngàn sinh viên”. Với Thắng, được làm việc ở Phòng đào tạo của trường đại học là cả một giấc mơ. Tốt nghiệp ngành CNTT- Trường Đại học Cần Thơ vào tháng 6-2010, Thắng chật vật xin việc nhiều nơi, cả ở quê nhà tỉnh Kiên Giang, nhưng đều nhận được những cái lắc đầu từ chối. Có nơi còn nhẹ nhàng giải thích: “Do đặc thù công việc nên không nhận NKT”, có nơi thì thẳng thừng: “Không nhận NKT”. Thắng rất buồn, nằm nhà thất nghiệp mấy tháng ròng. Cuối cùng, nghe thông tin Trường Đại học Võ Trường Toản đang tuyển dụng, Thắng nhanh chóng nộp hồ sơ. “Nhưng nộp cho có để khỏi phụ lòng bạn bè” chứ Thắng không nghĩ mình được tuyển dụng. Ngày nhận thông báo đến làm việc, Thắng mừng đến nỗi muốn hét lên vì sung sướng và tự nhủ sẽ cố gắng hết sức để làm việc.
Nguyễn Minh Thuận vào làm trước Thắng và Mạnh. Thuận bị loạn trương lực nửa thân nên phần cơ cổ và cơ bàn tay phải bị co rút, quai hàm và miệng méo, mặt luôn nghểnh cao về bên trái. Gia cảnh khó khăn, Thuận cố gắng học và tốt nghiệp loại giỏi ngành CNTT của Trường ĐH Cần Thơ (trong lớp chỉ có 2 người tốt nghiệp loại giỏi). Tuy nhiên, khi cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, Thuận vẫn hết sức chật vật xin việc nhiều nơi nhưng không nơi nào nhận. Cuối cùng, Thuận xin vào làm lập trình ở một công ty tin học nhưng lương tháng chỉ có 1 triệu đồng. Sau khi nghe thông tin Trường Đại học Võ Trường Toản tuyển dụng nhân viên lập trình, Thuận nộp đơn và dự phỏng vấn. Hai tháng sau, trường mới thông báo nhận Thuận vào làm việc. Thuận kể: “Chờ đợi lâu quá, em tưởng là không được…
May mắn làm sao, cuối cùng em được nhận”. Nhà ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy. Đường từ nhà đến trường hơn 20 km, Thuận chạy xe đạp điện 1 đoạn rồi gởi xe để đi xe buýt đến Trường Đại học Võ Trường Toản vì tay lái yếu. Nhà trường cũng tạo điều kiện về thời gian để Thuận học cao học về CNTT.
Tiến sĩ Dương Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường Đại học Võ Trường Toản, cho biết: “Khi tuyển dụng, chúng tôi chỉ nghĩ đến năng lực làm việc, không phân biệt NKT hay bình thường. Tôi nghĩ rằng, NKT có hạn chế về di chuyển, sức khỏe nhưng họ có nghị lực, ý chí cầu tiến và sự cần cù. Thắng, Mạnh và Thuận đều rất cần cù, cố gắng làm việc. Nếu tạo điều kiện, tôi tin các bạn trẻ này sẽ làm việc tốt và phần mềm tích hợp dấu vân tay là một minh chứng”.
Cô Bùi Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội NKT TP Cần Thơ, cho biết: “Sinh viên khuyết tật đã phải nỗ lực rất nhiều mới có thể tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Nhưng khi ra trường, phần lớn các em không có việc làm hoặc nhận được việc làm trái với chuyên môn, thu nhập thấp. Nếu các cơ quan, doanh nghiệp nhận họ vào làm việc, phân công những công việc phù hợp thì chắc chắn họ sẽ phát huy được khả năng của mình. Đó không chỉ là cơ hội để giúp NKT biến ước mơ thành hiện thực mà còn là trách nhiệm của cộng đồng đối với những người kém may mắn…”.
Nguồn: Đại học Võ TrườngToản