Hơn 2 năm qua, việc đảm bảo quyền và lợi ích của người khuyết tật luôn được tỉnh Đồng Nai quan tâm, chú trọng nhất là từ khi Luật Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật khó khăn về tài chính ra đời năm 2017.
Đây là cơ sở pháp lý đảm bảo sự cam kết của Nhà nước đối với quyền lợi của người khuyết tật, từ đây người khuyết tật được tiếp cận hệ thống tư pháp một cách hữu hiệu và bình đẳng với người khác, nhất là khi tham gia tố tụng.
Theo Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Đồng Nai, hiện nay, địa bàn tỉnh có hơn 150.000 người khuyết tật, trong số đó, rất nhiều người đã được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu. Chỉ tính riêng năm 2019, Trung tâm đã hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho gần 300 người khuyết tật, trong đó hỗ trợ miễn phí bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình… Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm, con số này vẫn còn hạn chế so với nhu cầu cần được trợ giúp pháp lý miễn phí trong hoạt động tố tụng cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Châu, 63 tuổi, ngụ tại phường An Hòa, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, bà bị khiếm thị từ nhỏ, việc đi lại rất khó khăn. Bà cùng con gái sống tại thành phố Biên Hòa từ lâu nhưng vẫn chưa làm được hộ khẩu. Những năm trước cũng có vài lần dự tính đi làm, nhưng vì đi lại khó khăn, việc đi làm thủ tục gặp nhiều trở ngại. Do đó, gần 20 năm, gia đình bà vẫn chưa có hộ khẩu và các thành viên trong gia đình chưa có giấy tờ tùy thân.
“Mới đây, nhận được thông tin có chính sách hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật, tôi đã đến Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đồng Nai để đề nghị được giúp đỡ. Không lâu sau đó, những thủ tục, giấy tờ cần thiết đều đã được hoàn tất và trao lại cho tôi. Giờ có giấy tờ rồi, con gái tôi có thể xin làm công nhân để có công việc và thu nhập ổn định thay vì đi bán vé số dạo như lâu nay”, bà Nguyễn Thị Châu chia sẻ.
Cầm giấy tờ tùy thân mới được đổi trên tay, ông Trần Văn Thiên, người khuyết tật vận động ngụ tại huyện Long Thành, Đồng Nai cho biết, ông vừa được những người trợ giúp pháp lý thực hiện đổi giấy tờ tùy thân và hiện đang được hỗ trợ về mặt pháp lý về thủ tục ly hôn. Bị khuyết tật vận động không thể đi lại được, ông may mắn được những người trợ giúp viên đến tận nhà tư vấn, hỗ trợ và giải quyết để thực hiện những giấy tờ, thủ tục cần thiết.
Tham gia trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là người khuyết tật, hạn chế vận động không thể chủ động đến các điểm trợ giúp pháp lý lưu động, trung tâm hay chi nhánh để được yêu cầu trợ giúp, hầu hết những tư vấn viên thường xuyên phải tìm tới tận nhà để hỗ trợ những người khuyết tật mỗi khi nghe được trường hợp nào đang cần giúp đỡ.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Trưởng Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 1, khu vực Long Thành – Nhơn Trạch, dù địa bàn hoạt động rộng, khoảng cách từ trụ sở chính đến nhà các đối tượng là người khuyết tật rất xa, có khi cách vài chục cây số, nhưng chỉ cần nghe tin ở đâu có người cần giúp đỡ thì sẵn sàng tới. “Tất cả những tư vấn viên đều hiểu người khuyết tật vận động bị hạn chế về khả năng vận động, không thể tự tìm tới mình được, do đó những người tư vấn hãy là người chủ động tìm đến và giúp đỡ họ”, bà Liên cho biết.
Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đồng Nai cho biết, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người khuyết tật, ngay từ đầu năm, các trợ giúp viên của Trung tâm đã đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan tố tụng của tỉnh gồm Tòa án, Viện kiểm sát, Công an trong công tác tuyên truyền về lợi ích của hoạt động trợ giúp pháp lý đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, trong đó đặc biệt chú ý đến các đối tượng là người khuyết tật để ngày càng có nhiều người được tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí.
“Khi bà con đến đây, chúng tôi sẽ hỗ trợ đại diện tham gia tố tụng miễn phí; đồng thời thực hiện tư vấn, hỗ trợ cho họ hiểu quyền công dân. Động lực để những tư vấn viên thực hiện tốt công việc này đó chính là nụ cười của những con người kém may mắn. Hỗ trợ, bù đắp phần nào cho những người khuyết tật để họ được thoải mái, vui vẻ trong cuộc sống là niềm vui của những người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật”, ông Lê Quang Vinh.
Thực tế cho thấy, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được tư vấn pháp luật. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã cử người bào chữa, bảo vệ tại tòa án các cấp, cử người đại diện ngoài tố tụng miễn phí. Điều này có ý nghĩa thiết thực đối với cuộc sống khó khăn của người khuyết tật, giúp họ giảm bớt mặc cảm, được bình đẳng trước pháp luật. Đặc biệt là người khuyết tật cảm nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương thông qua chính sách nhân văn này.
Nguồn: TTXVN