Người khuyết tật được hiểu là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Người khuyết tật được Nhà nước đảm bảo một số các quyền như: Tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; Sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; Được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật; Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
(Trong ảnh: Người khuyết tật Phạm Ánh Nguyệt- Người được Luật sư Nguyễn Văn Hà trợ giúp pháp lý,
tham gia vụ án bảo vệ quyền lợi cho Nguyệt tại cả ba giai đoạn: Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm, Thi hành án)
Chính sách pháp luật của nhà nước ta là kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến người khuyết tật. Đó là một số hành vi sau:
– Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật;
– Xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật;
– Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội;
– Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
– Người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định của pháp luật;
– Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật;
– Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật.
Trong xã hội, người khuyết tật là đối tượng yếu thế cần có sự chia sẻ, tạo điều kiện giúp đỡ của mọi người, của cộng đồng xã hội. So với người bình thường thì người khuyết tật bị thiệt thòi rất nhiều.
Trong nhiều năm nay, chúng tôi luôn đồng hành với người khuyết tật. Ngoài các hoạt động từ thiện, chúng tôi cũng sẵn sàng trợ giúp pháp lý cho họ với mong muốn góp một phần công sức để chia sẻ với cộng đồng với một phương châm “Lá lành đùm lá rách. Lá rách đùm lá nát” để “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Thạc sĩ- Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan – Luathalan.vn