Hiện nay, tỉ lệ trẻ khuyết tật, nhất là trẻ rối loạn phổ tự kỉ trên thế giới có xu hướng gia tăng. Việc giáo dục và tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật được tham gia học hòa nhập tại nơi trẻ sinh sống là xu hướng lựa chọn chính ở các nước trên thế giới và Việt Nam hiện nay. Do đó, đào tạo đội ngũ giáo viên, nhân viên hỗ trợ công tác can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập có vai trò quan trọng trong đảm bảo chất lượng giáo dục và chuẩn bị cho người khuyết tật có cuộc sống độc lập và hòa nhập với cộng đồng.
Số liệu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết số lượng trẻ khuyết tật được đi học hòa nhập tăng lên hơn 10 lần trong 20 năm thực hiện giáo dục hòa nhập ở nước ta (từ 42.000 học sinh khuyết tật được đi học năm 1996 đến năm 2015 đã có hơn 500.000 học sinh khuyết tật được đến trường). Để đáp ứng được số lượng lớn học sinh khuyết tật đi học và để nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập, các trường học cần có đội ngũ nhân viên hỗ trợ giáo viên để thực hiện nhiệm vụ giáo dục dạy học và chăm sóc cho học sinh khuyết tật. Nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật là một tên gọi cho vị trí chức danh nghề nghiệp lần đầu tiên được đưa vào Luật Người khuyết tật 2010. Thông tư số 19/2016/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ tháng 6 năm 2016 đã quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập.
Ở lĩnh vực giáo dục đặc biệt, Trường ĐHSP Hà Nội là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam xây dựng, phát triển chương trình đào tạo cử nhân ngành Giáo dục Đặc biệt và bắt đầu đào tạo văn bằng hai từ năm học 1997 – 1998, hệ cử nhân chính quy từ năm học 2001 – 2002 và thạc sĩ bắt đầu từ năm học 2012 – 2013. Đến nay, Trường ĐHSP Hà Nội đã trở thành một cơ sở có uy tín hàng đầu trong đào tạo, nghiên cứu, bồi dưỡng giáo viên, nhân viên các ngành công tác xã hội, tâm lí học xã hội, phát triển cộng đồng,… về lĩnh vực giáo dục đặc biệt cho cả nước, và có quan hệ sâu rộng trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt với nhiều nước, nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong khu vực và quốc tế.
Năm 2019, Trường ĐHSP Hà Nội đã được Bộ giáo dục và Đào tạo phê duyệt đề án đào tạo cử nhân ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, mở ra cơ hội sự lựa chọn mới cho các thí sinh dự tuyển đại học năm 2020. Sự ra đời một lĩnh vực chuyên môn với vai trò hỗ trợ trong giáo dục cho người khuyết tật ở các nhà trường, gia đình và cộng đồng là hết sức cần thiết và có ý nghĩa khoa học rất lớn. Nhờ có nhân viên hỗ trợ người khuyết tật, gia đình và nhà trường có người khuyết tật theo học sẽ nhận được sự trợ giúp cả về chuyên môn cũng như tinh thần, tình cảm để người khuyết tật ngày càng có nhiều cơ hội phát triển và hòa nhập cuộc sống cộng đồng.
Cơ hội việc làm rộng mở với việc được quy định khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông là ưu thế của ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật
Hiện nay, nhu cầu chăm sóc, giáo dục, can thiệp của người khuyết tật có xu hướng ngày càng tăng trong khi lực lượng hỗ trợ (tình nguyện viên, nhân viên) còn rất hạn chế về năng lực làm việc trong lĩnh vực này, chỉ có giáo viên giáo dục đặc biệt không đủ để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Giáo dục hòa nhập là định hướng chính sách và được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục song không có nhân viên hỗ trợ nên gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là chất lượng và hiệu quả giáo dục hòa nhập còn rất hạn chế.
Căn cứ vào thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/07/2017 về hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập tại điều 3, điều 4, điều 5 đều có vị trí việc làm là nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật ở các trường tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học, THCS và THPT. Theo đó, điều 6, điều 7, điều 8 của thông tư có quy định về định mức số lượng người làm việc là: (i) Đối với trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học: Cứ 15 học sinh khuyết tật thì được bố trí tối đa 01 người; Đối với các trường phổ thông cấp tiểu học có học sinh khuyết tật học hòa nhập; Căn cứ vào số lượng học sinh khuyết tật học hòa nhập theo từng năm học, trường có dưới 20 học sinh khuyết tật thì có thể bố trí tối đa 01 người; trường có từ 20 học sinh khuyết tật trở lên thì có thể bố trí tối đa 02 người; (ii) Đối với trường dành cho người khuyết tật cấp THCS: Cứ 15 học sinh khuyết tật thì được bố trí tối đa 01 người; Đối với các trường phổ thông cấp THCS có học sinh khuyết tật học hòa nhập: Căn cứ vào số lượng học sinh khuyết tật học hòa nhập theo từng năm học, trường có dưới 20 học sinh khuyết tật thì có thể bố trí tối đa 01 người; trường có từ 20 học sinh khuyết tật trở lên thì có thể bố trí tối đa 02 người. (iii) Đối với các trường phổ thông cấp THPT có học sinh khuyết tật học hòa nhập: Căn cứ vào số lượng học sinh khuyết tật học hòa nhập theo từng năm học, trường có dưới 20 học sinh khuyết tật thì có thể bố trí tối đa 01 người; trường có từ 20 học sinh khuyết tật trở lên thì có thể bố trí tối đa 02 người. Với quy định thông tư trên cho thấy, hiện nay còn thiếu hụt số lượng về vị trí nhân viên hỗ trợ người khuyết tật chưa được đào tạo trong những năm gần đây.
Thống kê khảo sát sinh viên ra trường từ năm 2015 đến 2019 ngành Giáo dục Đặc biệt cho thấy mức lương khởi điểm trung bình là 6.5 – 8 triệu đồng/tháng.
Báo cáo nghiên cứu khảo sát về nhân viên hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam đã được tiến hành tại 22 cơ sở (giáo dục mầm non, tiểu học, trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, sở Giáo dục và Đào tạo) của 9 tỉnh thành của cả ba vùng miền trong cả nước với 156 đối tượng, gồm 54 cán bộ quản lí và 102 giáo viên cho thấy hầu hết các tỉnh thành đều chưa có đội ngũ nhân viên hỗ trợ người khuyết tật được đào tạo và làm việc theo đúng chức năng và rất cần thiết có đội ngũ nhân viên này.
Chương trình đào tạo, môi trường học tập, cơ hội việc làm và học tập nâng cao trình độ
Chương trình đào tạo ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật được xây dựng: có nội dung và kiến thức của chương trình được thiết kế đảm bảo tính liên thông về nội dung và kiến thức được quy định tại chương trình đào tạo trình độ cử nhân, tạo điều kiện thuận lợi để học viên có thể tiếp tục nghiên cứu, học tập ở trình độ thạc sĩ; kết cấu nội dung chương trình phù hợp với định hướng đào tạo của ngành giáo dục; phù hợp với cấu trúc chương trình đào tạo trình độ cử nhân của các chuyên ngành trong Trường ĐHSP Hà Nội; phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đối với đội ngũ giáo viên, chuyên gia, cán bộ quản lí về giáo dục đặc biệt đang công tác trong và ngoài ngành giáo dục. Ngoài ra, chương trình còn được tham khảo, nghiên cứu các chương trình đào tạo nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trên thế giới.
Chương trình gồm các khối kiến thức cơ bản của ngành và chuyên ngành. Khối kiến thức cơ sở chung của ngành và chuyên ngành bao gồm:
Khối kiến thức cơ sở chung phát triển năng lực hỗ trợ giáo dục người khuyết tật gồm: Xây dựng môi trường giáo dục, Giao tiếp trong hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, Phát triển chương trình hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, Chính sách đối với người khuyết tật, Phát triển cộng đồng trong hỗ trợ giáo dục người khuyết tật…
Khối kiến thức chuyên ngành hỗ trợ giáo dục người khuyết tật gồm: Lập kế hoạch hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và an toàn người khuyết tật; Giao tiếp thay thế và tăng cường; Chữ nổi Braille và định hướng di chuyển; Ngôn ngữ kí hiệu thực hành; Hỗ trợ phát triển giác quan và thể chất cho người khuyết tật; Hỗ trợ công nghệ thông tin và truyền thông trong giáo dục người khuyết tật; Hỗ trợ tổ chức hoạt động can thiệp và trị liệu cho người khuyết tật… Chương trình đào tạo trên được thiết kế đáp ứng những đòi hỏi về kiến thức chuyên ngành hỗ trợ người khuyết tật, hiểu biết về năng lực, nhu cầu của người khuyết tật, kĩ năng hỗ trợ người khuyết tật trong các môi trường và điều kiện khác nhau.
Các em sinh viên sẽ được học tập và rèn luyện trong một môi trường thân thiện và chuyên nghiệp bởi một đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản và có chuyên môn cao về giáo dục cho người khuyết tật tại Việt Nam và các nước tiên tiến trên toàn thế giới. Các em sẽ được trang bị những kiến thức lí luận nền tảng, những học thuyết và quan điểm giáo dục tiến bộ và những kiến thức thực tiễn về giáo dục người khuyết tật và hỗ trợ giáo dục người khuyết tật phù hợp.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên theo học ngành học này có thể đảm nhận các vị trí công tác như: nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật làm việc trong các cơ sở giáo dục có người khuyết tật học tập, bao gồm: cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở chăm sóc, bảo trợ xã hội có người khuyết tật; nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các tổ chức văn hóa, chính trị – xã hội, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế; cán bộ nghiên cứu về hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở nghiên cứu (viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu); làm việc trong các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ liên quan đến các vấn đề về an sinh xã hội…
Ngoài ra, nếu lựa chọn học tiếp để nâng cao trình độ thì sinh viên có thể học nâng cao ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước. Cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp cũng rất thuận lợi do ngành học Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật là ngành học có mã nghề và quy định biên chế trong trường công lập ở các bậc học, tiếp cận theo đúng hướng đáp ứng nhu cầu về hỗ trợ giáo dục người khuyết tật theo xu hướng giáo dục hòa nhập hiện nay trên thế giới.
Có thể thấy, ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật đang là một ngành nghề có nhiều tiềm năng, có cơ hội việc làm và phát triển tương lai cho người học. Đây cũng là một ngành học năng động, cho phép người học được thử nghiệm ở nhiều hình thức trường, cơ sở giáo dục khác nhau và còn là một ngành học mang tính nhân văn cao với ý nghĩa hỗ trợ cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khuyết tật.
Giảng viên và sinh viên khoa Giáo dục Đặc biệt tham gia buổi gặp mặt và chụp ảnh lưu niệm với Đại sứ Mĩ tại Việt Nam
TS. Hoàng Thị Nho
Phó trưởng khoa Giáo dục Đặc biệt
Nguồn: Bản tin HNUE