Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra nhiều hậu quả nặng nề đến kinh tế – xã hội toàn cầu và đang diễn biến khó lường như hiện nay, việc quan tâm đến đời sống, việc làm, đặc biệt là vấn đề khởi nghiệp của người khuyết tật – một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Người khuyết tật khởi nghiệp hiện nay không chỉ được hưởng những chính sách ưu đãi đặc thù của Nhà nước đối với người khuyết tật, mà còn được hưởng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Covid-19. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá những chính sách và pháp luật xoay quanh vấn đề khởi nghiệp hậu Covid-19 của người khuyết tật, từ đó đề xuất những giải pháp pháp lý nhằm hỗ trợ NKT khởi nghiệp trong giai đoạn này.
1. Đặt vấn đề
Kể từ khi khởi nguồn từ Vũ Hán – Trung Quốc từ cuối năm 2019, đến nay đại dịch Covid-19 đã bùng phát ở hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 30/11/2020, thế giới ghi nhận hơn 63 triệu ca mắc Covid-19, hơn 1,4 triệu ca tử vong tại 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng Việt Nam ghi nhận 1.346 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 689 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài.
Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, đại dịch Covid-19 có tác động khác nhau đến nhiều nhóm đối tượng. Theo Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Gutterres: “Người khuyết tật là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19” . Người khuyết tật (NKT) là những người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn (Khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật 2010). Những thách thức mà người khuyết tật phải đối mặt về vấn đề việc làm và kinh tế, đặc biệt là vấn đề khởi nghiệp càng trở nên trầm trọng hơn trong giai đoạn Covid-19.
Bài viết tập trung phân tích những chính sách và pháp luật liên quan đến vấn đề khởi nghiệp của người khuyết tật và tác động của Covid-19 đến những chính sách và pháp luật này. Từ đó, đưa ra các nhận xét, đánh giá cũng như nêu lên các đề xuất nhằm hoàn thiện cơ chế pháp lý hỗ trợ người khuyết tật khởi nghiệp trong giai đoạn hậu Covid-19.
2. Tác động của đại dịch Covid-19 tới NKT và vấn đề khởi nghiệp của NKT
2.1. Tác động của đại dịch Covid-19 tới NKT
Theo khảo sát quốc gia về người khuyết tật thực hiện năm 2016, hiện nay Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên và con số này đang gia tăng vì tình trạng già hóa dân số và do hậu quả của tai nạn giao thông. Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo . Tính đến cuối năm 2019, đã có gần 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật .
Nhiều người khuyết tật đang có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Việc mang trong mình những bệnh lý nên khiến một số người khuyết tật có thể có nguy cơ nhiễm trùng hoặc mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn so với người không mắc.
Nhiều người khuyết tật đã mất việc hoặc thu nhập bị giảm đáng kể do ảnh hưởng của Covid-19. Theo khảo sát của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc Việt Nam (UNDP) về tác đông của Covid-19 đến NKT, tính đến tháng 4/2020, có tới 30% NKT tham gia khảo sát đang thất nghiệp vì đại dịch Covid-19, trong khi 49% người khác bị giảm thời gian làm việc. Trong số những người vẫn đang làm việc, 59% bị giảm thu nhập. Thu nhập hàng tháng của 72% NKT tham gia khảo sát là dưới một triệu đồng . Theo Liên hiệp quốc, dù các Chính phủ đã có những chính sách trợ cấp cho NKT gặp khó khăn do đại dịch, tuy nhiên, chỉ có 28% NKT đáng kể được tiếp cận các trợ cấp – và chỉ 1% ở các nước thu nhập thấp.
Hiện nay, đa số NKT trong độ tuổi lao động sống ở nông thôn, công việc chính của họ là phụ giúp gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp, công việc không ổn định, thu nhập thấp. có 40% NKT ở độ tuổi lao động và còn khả năng lao động, trong đó chỉ có 30% có việc làm, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội.
2.2. Vấn đề khởi nghiệp của NKT và tác động của đại dịch Covid-19 tới việc khởi nghiệp của NKT
Trong những năm gần đây quan điểm trợ giúp người khuyết tật có sự thay đổi, đó là trợ giúp theo quan điểm phát triển. Theo đó, người khuyết tật đã tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp, đứng ra thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, không những lo cuộc sống cho gia đình mà còn tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người khác.
Đến nay cả nước đã có gần 700 cơ sở sản xuất của thương, bệnh binh và người khuyết tật, thu hút, giải quyết việc làm cho trên 40.000 lao động, đảm bảo thu nhập bình quân từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, hàng trăm người khuyết tật khác là chủ kinh tế hộ gia đình làm ăn rất ổn định và hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho chính bản thân mình và đóng góp cho địa phương nguồn ngân sách đáng kể. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, chỉ tính riêng các cơ sở là thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật mỗi năm cũng đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số lượng các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương binh và người khuyết tật chưa nhiều, hầu hết các quy mô nhỏ chỉ 10 – 15 lao động; vốn ít, công nghệ lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp, phần nhiều sản xuất thủ công; sản phẩm chủ yếu là các mặt hàng thủ công, gia công trong nước tiêu thụ trong nước, rất ít trường hợp tham gia vào các ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao. Chính vì vậy, các cơ sở sản xuất NKT rất dễ chịu ảnh hưởng từ tác động của đại dịch Covid-19 trong việc duy trì sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, khi ngay chính cả những doanh nghiệp lớn còn phải chật vật bám trụ. Nhiều NKT chia sẽ họ phải “giật gấu vá vai” mới duy trì được cơ sở sản xuất của mình nhưng nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước và xã hội thì việc phải đóng cửa là việc khó có thể tránh khỏi.
Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự phát triển lây lan của đại dịch Covid-19 từ rất sớm của Việt Nam theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2020 hay mới nhất là Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2020 về việc tiếp tục thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/04/2020 đã giúp Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, kiềm chế được lây lan trong cộng đồng, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Trong quá trình đồng lòng chống dịch bệnh trên cả nước, những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là những NKT cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi vừa phải giải quyết bài toán thị trường trong giai đoạn bất ổn do đại dịch vừa phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch cho cơ sở và người lao động theo chỉ thị của Chính phủ.
Bối cảnh kinh tế khó khăn, phức tạp do đại dịch Covid-19 và các diễn biến khó lường của nó tác động không nhỏ đến tinh thần khởi nghiệp của NKT. Những thay đổi của thị trường, rủi ro quá lớn trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bài toán về việc thành lập, duy trì và phát triển kinh doanh trong giai đoạn ngay cả nhiều doanh nghiệp lớn khác còn đang chật vật khiến cho NKT có tâm lý e ngại khởi nghiệp giai đoạn hậu Covid-19.
3. Các chính sách và quy định pháp luật tiêu biểu liên quan đến vấn đề khởi nghiệp của NKT hậu Covid-19
3.1. Chính sách ưu đãi cho của người khuyết tật khởi nghiệp
Chính phủ đã ban hành những chính sách ưu đãi cho NKT theo quy định tại Điều 8 Nghị định 28/2012/NĐ – CP nhằm khuyến khích họ tự tạo việc làm, tham gia sản xuất kinh doanh, cụ thể:
Một là, hỗ trợ về vốn. Người khuyết tật tự tạo việc làm được cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo các quy định hiện hành áp dụng đối với các dự án vay vốn giải quyết việc làm. Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam luôn đồng hành, tập trung nguồn lực, đẩy mạnh các chương trình tín dụng cho người khuyết tật khởi nghiệp như: Cho người khuyết tật vay vốn ưu đãi thông qua Quỹ quốc gia về việc làm; Dự án “Mở rộng tiếp cận tài chính cho người khuyết tật – Tài trợ quy mô nhỏ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng, phục vụ hoặc do khuyết tật làm chủ” do Quỹ Nippon của Nhật Bản tài trợ tại một số thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh và một số chương trình tín dụng khác.
Hai là, hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm do người khuyết tật làm ra.
Những chính sách trên đã mang đến cho NKT những cơ hội đảm bảo về kinh tế. Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đến nay có 282.000 NKT được hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm. Trong đó, có 22.000 lượt người được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc để tự tạo việc làm, tổ chức sản xuất kinh doanh.
Báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, tổng dư nợ của chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm đến ngày 31/10/2020 đạt 29.721 tỷ đồng, đối với hơn 769.000 khách hàng còn dư nợ. Những chính sách hỗ trợ vay vốn của Nhà nước đã giúp cho các doanh nghiệp của người khuyết tật trong việc tìm kiếm nguồn vốn để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Tính đến ngày 28/2/2018, dư nợ cho vay đối doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật, người khuyết tật tự phát triển sản xuất tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 118 tỷ đồng, với 5.838 khách hàng còn dư nợ.
Ngoài những chính sách chỉ dành riêng cho mình, NKT khởi nghiệp cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước như những doanh nghiệp khởi nghiệp khác theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhở và vừa 2017 và các quy định khác liên quan như: hỗ trợ thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ, hiện nay vẫn còn nhiều rào cản khiến người khuyết tật phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong việc khởi nghiệp, duy trì và phát triển doanh nghiệp. Một trong số đó là các doanh nghiệp của NKT mới chỉ được ưu đãi cho vay vốn ở khâu khởi nghiệp, mà chưa được hưởng những ưu đãi khác trong quá trình tổ chức hoạt động như những ưu đãi về thuế, thuê mặt bằng, thuê đất, chính sách tín dụng, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ cải tạo môi trường làm việc… như của các doanh nghiệp thường sử dụng lao động là người khuyết tật nếu không đảm bảo được số lượng người lao động theo quy định về ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng người khuyết tật theo quy định pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, trên thực tế một số người khuyết tật dù có nhu cầu vay vốn để mở rộng thêm mặt bằng, mua sắm trang thiết bị máy móc, mở rộng mô hình thành hệ sinh thái sản xuất của mình nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn vì các ngân hàng không có ưu đãi, yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các doanh nghiệp của người khuyết tật là rất khó khi không nắm rõ thông tin về chính sách cũng như chưa biết nên bắt đầu hồ sơ vay vốn từ đâu, phải gõ cửa những nơi nào.
Ngoài ra, những người khuyết tật khi khởi nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính trong việc đăng ký thành lập và tổ chức hoạt động cơ sở sản xuất, doanh nghiệp của mình vì vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ riêng cho NKT và phải thực hiện như những doanh nghiệp thông thường khác. Điều này là chưa phù hợp và gây bất tiện cho những NKT bởi bản thân họ bình thường đã gặp khó khăn trong lao động, sinh hoạt, học tập, nhiều trường hợp gặp khó khăn trong việc đi lại và giao tiếp.
3.2. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19
Bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến nghĩa vụ nộp thuế của cộng đồng doanh nghiệp và người dân…, những NKT khởi nghiệp, đang tự tạo việc làm cũng không phải ngoại lệ. Trước bối cảnh đó, Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là về tài chính. Theo đó, những NKT và cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp của mình sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ như sau:
Về tài chính, NKT được hỗ trợ trong việc gia hạn thuế, miễn giảm nhiều khoản phí, lệ phí theo quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể: các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh được gia hạn thời hạn nộp thuế 5 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập; các hộ kinh doanh được gia hạn 5 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được gia hạn 5 tháng đối với tiền thuê đất…
NKT khởi nghiệp cũng nằm trong diện được hỗ trợ trong chương trình rà soát cắt giảm, miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí tài chính theo các quy định tại Nghị định 22/2020/NĐ-CP như: Miễn lệ phí môn bài đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thành lập mới trong năm đầu; giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính… Tổng số phí, lệ phí cắt giảm mà doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi tính đến Tháng 10/2020 là khoảng 500 tỷ đồng.
Đặc biệt, Nghị định 114/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ 03/08/2020 hướng dẫn Nghị quyết 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 là một hỗ trợ lớn đối với những NKT là chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng khi được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.
Về phía chính sách tiền tệ, NKT cũng được hưởng các ưu đãi từ chính sách cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm các khoản lãi vay, giảm phí thanh toán, hỗ trợ vay vốn từ các tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Cùng với đó, các ngân hàng cũng thực hiện giảm phí thanh toán, hạ lãi suất vay, sẵn sàng nguồn vốn cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay mới nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế trở lại.
3.3. Chương trình của Chính phủ về việc trợ giúp người khuyết tật
Từ năm 2012, Chính phủ đã triển khai chương trình trợ giúp người khuyết tật trên cả nước với mục tiêu thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật và hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình.
Sau 8 năm thực hiện, Chương trình trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 (Đề án 1019) với kinh phí thực hiện từ dự toán chi thường xuyên hàng năm khoảng trên 300 tỷ đồng đã giúp nâng cao vị thế của người khuyết tật, thay đổi nhận thức, quan điểm, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và xã hội đối với vấn đề khuyết tật và người khuyết tật. Số lượng học sinh khuyết tật được đi học trong giai đoạn 2012 – 2020 đã tăng gấp khoảng 10 lần so với giai đoạn 2000 – 2010, hàng năm dạy nghề hỗ trợ cho khoảng 20.000 NKT học nghề. Đồng thời chất lượng học tập của trẻ khuyết tật được nâng cao, trên 45,8% trẻ khuyết tật được xếp loại học lực trung bình trở lên, tỷ lệ lưu ban, bỏ học ở trẻ em khuyết tật đã giảm đáng kể. Nhiều NKT được học nghề, có việc làm, có thu nhập, đời sống của họ được cải thiện nâng cao rõ rệt, góp phần ổn định và phát triển bền vững đất nước.
Tuy nhiên, Chương trình giai đoạn 2012-2020 vẫn còn nhiều bất cập, một trong số đó là Chương trình chưa có chủ trương nào hỗ trợ cho người khuyết tật vay vốn khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, NKT muốn vay vốn để khởi nghiệp phải đáp ứng các điều kiện đưa ra, bao gồm cả thế chấp tài sản khiến cho phần lớn NKT rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay cho người khuyết tật.
Tiếp nối những thành công và nhằm khắc phục các hạn chế của Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020, ngày 05/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Theo đó, trong giai đoạn hậu Covid-19, Chương trình sẽ tập trung hỗ trợ NKT khởi nghiệp bằng cách nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế đối với người khuyết tật; xây dựng mô hình hỗ trợ người khuyết tật khởi nghiệp, mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đối với người khuyết tật, mô hình hợp tác xã có người khuyết tật tham gia chuỗi giá trị sản phẩm; phấn đấu tỷ lệ người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định trong giai đoạn 2021-2025 là 90% và trong giai đoạn 2026-2030 là 100%.
Đối tượng ưu tiên của Chương trình là thanh niên khuyết tật khởi nghiệp, phụ nữ khuyết tật, NKT và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là NKT được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm và mở rộng việc làm. Dựa trên chỉ đạo từ Chương trình, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức thực hiện các hoạt động thúc đẩy cho thanh niên khuyết tật khởi nghiệp, phụ nữ khuyết tật, người khuyết tật và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật có nhu cầu được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.
4. Đề xuất các giải pháp pháp lý nhằm hỗ trợ NKT và vấn đề khởi nghiệp hậu Covid-19
Thứ nhất, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về người khuyết tật; đảm bảo khoản hỗ trợ của chính phủ bao trùm người khuyết tật bằng việc mở rộng đối tượng được hỗ trợ bao gồm NKT làm việc trong khu vực phi chính thức và cung cấp thông tin về gói hỗ trợ của Chính phủ dưới hình thức NKT có thể tiếp cận được, đơn giản hóa các thủ tục quy trình nhận hỗ trợ. Hiện nay, chỉ những người có giấy chứng nhận khuyết tật là đặc biệt nặng và nặng mới đủ điều kiện để nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ này của chính phủ, và nhiều người khuyết tật nhẹ không nằm trong số này.
Thứ hai, bổ sung các chính sách ưu đãi về lâu dài dành cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh của NKT như: ưu tiên thuê đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh; ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất; hỗ trợ cho vay vốn đối với người khuyết tật muốn thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh… Các chính sách ưu này mới chỉ dành cho các doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT đáp ứng các điều kiện theo luật định đã khiến cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp do NKT làm chủ với quy mô nhỏ tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng không thuộc diện được hưởng ưu đãi. Việc bổ sung thêm các ưu đãi trên là một giải pháp nhằm khuyến khích và hỗ trợ người khuyết tật tham gia sản xuất kinh doanh nhiều hơn nữa.
Thứ ba, cân đối, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ NKT trong việc khởi nghiệp, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Hàng năm, tăng cấp bổ sung vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm; xem xét bố trí nguồn vốn dành riêng cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật và các doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật. Ở địa phương chính quyền các cấp tiếp tục có sự quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay đối với NKT trên địa bàn.
Thứ tư, căn cứ Chương trình của Chính phủ về việc trợ giúp người khuyết tật, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện, kinh tế của địa phương mình, tập trung nguồn kinh phí từ ngân sách, ODA, viện trợ không hoàn lại, nguồn vốn xã hội hóa để dành cho người khuyết tật. Trong đó, cần chú trọng phục hồi, chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật; phòng chống dịch bệnh, thiên tai cho người khuyết tật; ưu tiên các công trình xây dựng, giao thông, trợ lý pháp lý, giáo dục, ý tế cho người khuyết tật. Đồng thời, xây dựng kế hoạch các chương trình đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ tiếp cận các kỹ năng mới, đặc biệt là công nghệ thông tin, giúp họ có thể làm việc một cách an toàn hậu Covid-19 và cạnh tranh trong môi trường công nghệ 4.0. Từ đó, mở ra cơ hội giúp nhiều người khuyết tật có cơ hội cải thiện thu nhập và tiếp tục đóng góp đáng kể vào nỗ lực khôi phục kinh tế của Việt Nam.
Thứ năm, ban hành các chính sách hỗ trợ sản phẩm của NKT, khuyến khích các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ các NKT khởi nghiệp trong việc kinh doanh các sản phẩm do NKT làm ra. Ví dụ như Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam có thể kết nối với các doanh nghiệp tổ chức các cuộc triển lãm, hội chợ giới thiệu các sản phẩm do NKT làm ra và có phương án tiêu thụ sản phẩm một cách an toàn trong bối cảnh hậu Covid-19.
Thứ sáu, tiếp tục tiến hành đánh giá toàn diện về tác động của đại dịch Covid-19 với NKT một cách đầy đủ hơn, làm cơ sở để xây dựng và triển khai các chương trình ứng phó và phục hồi hậu Covid-19 cho nhóm đối tượng yếu thế này. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, khuyến khích NKT khởi nghiệp, tự tạo việc làm, đóng góp và giải quyết vấn đề kinh tế cho bản thân, gia đình và xã hội.
5. Kết luận
Vấn đề khởi nghiệp của NKT, nhất là giai đoạn hậu Covid-19 nhận được nhiều sự quan tâm từ phía Đảng, Nhà nước cũng như các cá nhân, tổ chức và xã hội. Những chính sách và quy định pháp luật của Nhà nước trong việc hỗ trợ NKT khởi nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực, giúp họ phần nào khắc phục những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đồng thời khuyến khích NKT tự tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần ổn định đời sống của bản thân, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, để thúc đẩy phong trào NKT khởi nghiệp phát triển một cách bền vững hậu Covid-19, Nhà nước cần có những giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm hỗ trợ cho NKT như: rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về người khuyết tật; đảm bảo khoản hỗ trợ của Chính phủ bao trùm người khuyết tật bằng việc mở rộng đối tượng được hỗ trợ; bổ sung các chính sách ưu đãi về lâu dài về ưu tiên thuê đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh; ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất; hỗ trợ cho vay vốn…./.
Nguồn: TS. Dương Văn Thắng – Nguyễn Hồng Phượng – Đồng Hành Việt