Đã từ lâu, hệ Tiêu hóa chỉ được biết với nhiệm vụ nhận thức ăn – nước uống, nhào trộn và phân cắt chúng thành những phần tử rất nhỏ: acid amin, acid béo, glucose, sẽ dễ dàng hấp thu qua niêm mạc ruột vào máu, nhằm tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động. Những năm gần đây, các chuyên gia đã phát hiện hệ Tiêu hóa còn đảm nhận một số các chức năng quan trọng quyết định sức khỏe và tuổi thọ của con người như: Sức đề kháng, hoạt động của Hệ thần kinh trung ương và liên quan nhân – quả đến nhiều bệnh nghiêm trọng mà chúng ta hiện phải đối phó hàng ngày.
Thế nào là tiêu hóa khỏe
Thành phần của hệ tiêu hóa
Ống tiêu hóa: Miệng (răng, lưỡi, tuyến nước bọt), Thực quản, Dạ dày, Ruột non, ruột già: thu nhận thức ăn, nhào nhuyễn và phân cắt thức ăn thành những phần tử cực nhỏ.
Gan: tổng hợp Albumin, Lipo-protein, acid béo, dự trữ các vitamin (dùng tạo enzyme và coenzyme thực hiện chức năng chuyển hóa các chất) và tiết mật.
Ống mật – Túi mật: nhận mật từ tế bào gan và tiết dịch mật vào ruột non, giúp tiêu hóa chất dầu béo.
Tuyến Tụy: nội tiết (insulin, glucagon) – ngoại tiết (các enzyme tiêu hóa).
Dịch tiêu hóa: khoảng 7 lít mỗi ngày gồm: nước bọt, dịch nhày (làm hàng rào bảo vệ và trơn ống tiêu hóa), acid hydrochloric (tiêu hóa thức ăn và diệt khuẩn), dịch mật và các enzyme.
Biểu hiện của suy giảm chức năng tiêu hóa
Đầy bụng, chán ăn, tiêu chảy hoặc táo bón, viêm loét dạ dày – tá tràng, hội chứng ruột kích thích, bệnh celiac (tên khác Coeliac, không dung nạp gluten, thuộc bệnh tự miễn).
Da khô, nhiều mụn, ngứa, dị ứng thức ăn, nhiều nếp nhăn, nám da, vàng da, lòng trắng mắt (củng mạc) vàng, sao mạch (Spider’s sign), móng tay trắng (Terry’s nail).
Người nặng nề, tích nước, nước tiểu vàng đậm.
Cáu gắt, khó tập trung, dễ buồn chán, trầm cảm.
Đau đầu, mất ngủ, chóng mặt, ù tai, mỏi mắt, giảm thị lực, tóc thưa, dễ rụng,
Đường huyết không ổn định (tụt đường hay tăng đường trong máu) sợ lạnh, dễ bị cảm cúm khi thay đổi thời tiết.
Cân nặng thay đổi nhanh (tăng hay giảm cân) không có lý do cụ thể.
Sức đề kháng hay hệ miễn dịch (MD)
Có 2 loại MD đặc hiệu và không đặc hiệu. Sức đề kháng tốt giúp phòng – tránh được nhiều bệnh, trong đó có bệnh Dịch.
MD không đặc hiệu: da, niêm mạc, tế bào tiết chất nhầy, nhung mao (của khí – phế quản và ống tiêu hóa), nước mắt, nước bọt, dịch vị, mồ hôi…
MD đặc hiệu:
– Bẩm sinh [innate immunity]: đại thực bào, tế bào đa nhân, lợi khuẩn, men (lysozyme, phospholipase, defensin, opsonin…).
– Thu được [adaptive immunity]: lympho B, lympho T, kháng thể.
Các tế bào MD có nguồn gốc từ tủy xương.
Hệ miễn dịch và y học đông phương
Y học Phương Đông không có khái niệm MD, chỉ có nói đến Nguyên khí, là nguồn Khí lực giúp bảo vệ cơ thể phòng chống bệnh.
Nghĩa hẹp: Tránh dịch bệnh.
Nghĩa rộng: Phòng các loại bệnh.
MD liên quan Nguyên khí (Genuine energy): Vệ khí, Khí của tạng – phủ, Khí của Kinh – Mạch.
Bảo tồn và tăng cường Nguyên khí sẽ tăng khả năng phòng bệnh.
Trong chữa bệnh: kết hợp 2 biện pháp dưới đây:
– Liệu pháp Bổ: cung cấp dưỡng chất, vitamin, khoáng chất, dưỡng khí…
– Liệu pháp Tả: thanh lọc cơ thể qua đường mồ hôi, tiêu – tiểu, kiểm soát chất độc chất đưa vào cơ thể.
Cơ quan chức năng có tên gọi là Phế: kiểm soát Khí (Qi), là nơi hội tụ của các mạch, liên hệ với da – lông, thông với mũi – họng; Phế liên lạc với cơ quan chức năng Đại tràng.
Cơ quan chức năng có tên gọi là Tâm: kiểm soát tuần hoàn máu – dịch thể – mạch Bạch huyết (chủ huyết mạch) và ý thức – tư duy (chủ thần minh); Phế có liên lạc với Cơ quan chức năng Tiểu trường.
Phần lớn các thức ăn hay thuốc từ thực vật – động vật có gây tác động đến cơ quan Phế – Đại trường và Tâm – Tiểu trường, khi nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng đều ghi nhận chúng có tác dụng cải thiện hoạt động của Hệ miễn dịch và trạng thái Tâm – Thần kinh.
Những phát hiện mới
Quần thể vi sinh vật (VSV = microbiome) là bộ gene thứ 2
Microbiome chỉ tất cả các Quần thể VSV và toàn thể bộ gene của chúng; Microbiota là tập hợp các Nhóm VSV hiện diện trong một môi trường xác định, phần lớn cư trú tại ruột.
Ruột già chứa khoảng trên 1000 loài VSV, nặng 1,5 kg, bằng với trọng lượng của não. Toàn bộ gene của VSV (chiếm 90%) lớn hơn gene người (chỉ chiếm 10%) [Năm 1990, Bác sĩ David Relman của Đại học Standford nêu khái niệm đầu tiên về VSV là bộ gen thứ 2].
Microbiome tác động đến sức khỏe – sức đề kháng, thậm chí lớn hơn cả các đặc tính di truyền từ gene cha mẹ (bộ Gene thứ 1). Đây là lý do mà các nhà khoa học gọi microbiome là “bộ gene thứ 2 của người”.
Ruột và microbiota được xem là bộ não thứ 2
Ruột non có lượng tế bào thần kinh (TBTK) bằng với TBTK của tủy sống và tạo ra 95% lượng Serotonin (Hormone hạnh phúc) của cơ thể, trong khi tế bào não chỉ tạo 5% [Dr. Michael D. Gershon].
Ruột non chứa chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitter) nhiều hơn ở não, khi ruột khỏe, não sẽ hoạt động tốt.
Khi não – ruột bị xáo trộn, cơ thể sẽ biểu hiện nhiều bệnh: giảm sức đề kháng, rối loạn lo âu, trầm uất, mất ngủ, rối loạn dạ dày – ruột, béo phì, rối loạn cảm giác ăn, đầy – chướng bụng, mệt mỏi…
Ruột non có lượng tế bào thần kinh (TBTK) bằng với TBTK của tủy sống và tạo ra 95% lượng Serotonin của cơ thể (trong khi tế bào não chỉ tạo 5%) [Dr. Michael D. Gershon],
Hệ VSV (microbiota) ở ruột:
– Kiểm soát hại khuẩn, tăng lợi khuẩn.
– Bảo vệ toàn vẹn niêm mạc ruột, tác động 2 chiều trên trục não – ruột.
– Điều hòa đáp ứng miễn dịch, chống viêm, cải thiện sức đề kháng.
Giải pháp tăng sức đề kháng
Giải pháp chung
Ăn đủ chất dinh dưỡng, ưu tiên thức ăn có nguồn gốc thực vật, vì có chứa sinh chất (Phytochemical), vitamin và enzyme, tạo nên màu – mùi đặc trưng của mỗi loại. Khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, thực vật tạo ra các sinh chất để chống lại tia cực tím và côn trùng có hại, như: Nho (anthocyanin), Mè (Lignin), Đậu nành và sản phẩm từ Đậu nành (iso-flavone), Dưa hấu, Cà chua (lycopene)… nhờ vậy khi chúng ta ăn sẽ có được các tác dụng có lợi dưới đây:
Cung cấp các antioxidant (chống gốc tự do) bảo vệ tế bào.
Phục hồi tế bào tổn thương (đột biến gene), phòng bệnh ung bướu.
Củng cố sức đề kháng.
Chống lão hóa sớm, cải thiện trí nhớ, hạn chế bệnh Alzheimer.
Cung cấp chất xơ giúp phát triển lợi khuẩn, kiểm soát táo bón, thanh lọc cơ thể.
Giải pháp cụ thể
Ăn hợp lý: thực vật chiếm 70 – 80% (thay đổi tùy tình trạng bệnh, tuổi tác) khẩu phần, ưu tiên động vật thân nhiệt thấp (sống dưới nước hoặc lưỡng cư); rau củ tươi – mới – sạch; hạn chế thức ăn nhanh; giảm đường – muối; ăn chậm nhai kỹ.
Hạn chế thịt đỏ, chất béo bão hòa (mỡ động vật) hoặc chuyển dạng (trans fat) và đường tinh chế (đường trắng).
Ăn nhiều rau – trái cây, đa dạng màu sắc: vì cung cấp chất xơ, kẽm, và vitamin (C, A, E…), β-caroten giúp tăng sức đề kháng.
Bổ sung lợi khuẩn: Bacillus sp., Bifidobacterium lactic… từ các thức ăn truyền thống như: Yogurt, Natto (các loại đậu ủ với enzyme natto), Miso, Sauerkraut, Kim chi…
Uống đủ nước giúp tuần hoàn thể dịch tốt: hỗ trợ hoạt động của enzyme được tối ưu.
Tập thở đúng (thở cơ hoành, mở thanh quản trong khi tập thở): cung cấp oxy cho tế bào, giúp cân bằng hệ thần kinh.
Kiểm soát stress: tĩnh tâm, hướng thiện, thiền định…
Hạn chế chất độc hại: rượu bia, thuốc lá, nước ngọt có gaz.
Tránh táo bón hoặc đi tiêu không thông suốt (đi tiêu xong chưa có cảm giác hết phân, hoặc mắc đi tiêu sau khi ăn). Đôi khi cần thiết nên làm sạch bằng thụt rửa đại tràng.
Tiếp xúc ánh nắng mặt trời (cung cấp vitamin D, tốt cho tế bào lympho T), tập thể dục đều đặn: vừa sức, phù hợp tuổi và sức khỏe.
Ngủ đủ, nghỉ ngơi hợp lý: tái tạo năng lượng, giúp bảo tồn hệ enzyme.
Chọn thức ăn hay dược liệu tốt cho tiêu hóa và tăng nguyên khí: Tỏi, Nghệ, Hành, Gừng, Sả, Lá mơ lông, Linh chi, Nhân sâm, Hoàng kỳ, Artichoke…
Không lạm dụng thuốc kháng viêm, kháng sinh, kháng acid, giảm đau và steroid gây tổn thương Gan – Ruột.
Lời kết
Không sai khi nói rằng, để cải thiện Hệ miễn dịch, củng cố “Nguyên khí”, phòng bệnh hiệu quả: hãy bắt đầu chăm sóc tốt Hệ Tiêu hóa của bạn. Hệ Tiêu hóa chỉ hoạt động tốt khi được cung cấp đủ chất dinh dưỡng gồm: đạm – béo – carbohydrate, lợi khuẩn (Probiotic), chất xơ, enzyme, vitamin, khoáng chất, nước… Người xưa đã từng nói, “Bệnh Tòng Khẩu Nhập” (Bệnh từ miệng mà vào), nhập từ cửa trên của Ống tiêu hóa đó là miệng, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đã và đang lây lan rộng khắp toàn cầu. Mặc dù “Cậu Sửu” đã lên ngôi, nhưng xem ra “Cô Vid” vẫn chưa ngừng quậy phá. Chúng ta nên thực hiện đúng nguyên tắc vệ sinh cá nhân – môi trường, tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch đã được khuyến cáo, chọn thức ăn đúng và cách ăn tốt để đưa qua miệng, nhằm sống vui, sống khỏe, sống không lệ thuộc nhiều vào Thầy và Thuốc. Hãy nhớ rằng, thức ăn là thuốc và thuốc cũng là thức ăn. Đúng như Hippocretes, cha đẻ của ngành Y Học Phương Tây, đã nói: “All disease begins in the Gut”, tạm dịch “Mọi bệnh đều bắt đầu từ trong ruột”.
Nguồn: BS. Trần Văn Năm – Tạp chí Sức Khỏe