Có một thực trạng không thể phủ nhận ở xứ mình. Đó là nhiều trẻ con trong thành phố ngập khói xăng dầu, khói thuốc lá, khói chất thải nhà máy… tội nghiệp hết sức vì ho dai dẳng, một lần ho cả tràng đến xanh mặt, đến nôn mửa. Khổ hơn nữa cho trẻ là tần suất tái phát quá gần đến độ trẻ mỗi tháng không có mấy ngày không ho, không đau họng! Tuy ho là phản ứng phòng vệ của cơ thể nhưng trẻ nào khỏe cho nỗi, trẻ nào vui cho được nếu ngày nào cũng ho?
Đáng nói hơn nữa là phần lớn trẻ, nếu không nỡ nói dù mích lòng nhiều thầy thuốc, là hầu hết trẻ bị “nhồi” thuốc kháng sinh mỗi lần cha mẹ gõ cửa thầy thuốc. Đúng là phải dùng thuốc kháng sinh nếu trẻ bội nhiễm, đúng là phải cần thuốc kháng sinh nếu có nguy cơ bội nhiễm thứ cấp trên cơ tạng của trẻ ho hoài không dứt. Đáng tiếc chỉ ở điểm, theo cảnh báo hẳn hoi của Tổ chức y tế Thế giới, thường không hơn 1/3 trường hợp trẻ chớm ho phải dùng ngay thuốc kháng sinh vì không hẳn hễ ho là bội nhiễm. Y sĩ đoàn ở châu Âu, nơi tuy môi trường không ô nhiễm như bên ta, nhưng khí hậu thường lạnh, nghĩa là số trẻ ho hen cũng không ít, ắt hẳn phải có lý do chính đáng khi khuyến cáo thầy thuốc bên đó đừng quá vội vàng hào phóng với thuốc kháng sinh ở trẻ sỗ mũi, khan tiếng, ho đàm… để phòng tránh tình trạng trước lạm dụng sau lờn thuốc kháng sinh.
Trở lại với chuyện bên ta. Không lạ gì nếu nước mình, nơi nhiều nhà thuốc vẫn còn bán thuốc kháng sinh đời mới không cần toa, nơi nhiều thầy thuốc biên toa cho thuốc kháng sinh không cần xác minh bội nhiễm, đang và sẽ tiếp tục ứng đầu trên danh sách lờn thuốc kháng sinh vì dùng thuốc vô tội vạ.
Chuyện lại không chỉ có thế! Câu hỏi là chuyện gì xảy ra với gần 2/3 số trẻ phải uống thuốc kháng sinh năm này qua tháng khác mà không hể được hướng dẫn về các biện pháp dùng tinh dầu cây thuốc, giữ ấm da đầu và lòng bàn chân, súc miệng cho sạch vùng hầu họng, thanh khuẩn ống tai, vệ sinh răng miệng? Đã có rất nhiều cảnh báo về hậu quả trên sức đề kháng còn rất mong manh của trẻ vì mất quân bình cán cân vi sinh trong khung ruột, về tình trạng béo phì một cách oan uổng do phản ứng phụ của thuốc kháng sinh, khiến trẻ rối loạn tăng trưởng và chức năng tư duy! Tất nhiên cha mẹ của trẻ có cho vàng cũng không dám tự ý bỏ thuốc kháng sinh khi lời thầy nặng tựa ngàn cân! Chuyện dùng thuốc kháng sinh sao cho đúng, vì thế là trách nhiệm của toàn ngành y tế.
Chuyện vẫn chưa xong. Nên nhớ mỗi lần trẻ viêm họng là một lần sức đề kháng được huy động. Xài hoài phải mau mòn. Hệ miễn dịch khi đó hoặc phản ứng trật chìa, hoặc nhanh nhẩu đoảng gây dị ứng, hoặc vì mệt quá nên ù lì theo kiểu “ai kêu để người khác dạ”, mặc cho bệnh khác thừa nước đục thả câu. Theo kết quả nghiên cứu hẳn hoi ờ các trường tiểu học thuộc tiểu bang Hessen, CHLB Đức, không dưới 2/3 trẻ hay viêm họng đồng thời là nạn nhân của tình trạng dị ứng, từ nổi mề đay cho đến tiêu chảy vì kích ứng trên nhu động ruột! Trẻ nào học cho vô, nếu nay dị ứng, mai viêm họng, ngày mốt cả hai?!
Đáng tiếc vô cùng vì chuyên gia ở Học Viện Nghiên cứu về sinh tố ở Frankfurt, CHLB Đức đã chứng minh là trẻ sống trong môi trường ô nhiễm, trẻ mệt mõi vì chương trình học quá nặng, tuy đúng là rất dễ viêm họng nhưng tần suất tái phát và cường độ bệnh rõ ràng được cải thiện thấy rõ ở nhóm trẻ thường xuyên được tiếp tế với sinh tố A, D, C và được chỉ cách súc miệng cho sạch vài lần trong ngày. Đừng quên vùng hầu họng nếu nay viêm mai tấy là do bàn tay đánh lén của “mồi lửa” núp bóng đâu đó. Kết quả khảo sát ở TP.HCM với 100 trẻ hay viêm họng cho thấy:
70% thiếu vệ sinh ống tai và đóng ráy tai.
80% bị viêm nha chu, viêm nướu do răng hư nhưng không được điều trị đến nơi đến chốn.
85% đóng nấm trên đáy lưỡi vì trẻ ít khi được cạo lưỡi.
Đáng tiếc vì 70% trường hợp viêm họng dai dẳng được cải thiện thấy rõ sau thời gian 1-2 tuần áp dụng tinh dầu cây thuốc với chiến lược “sạch nơi này, khỏe nơi kia” bằng cách dùng tinh dầu đánh răng, rửa ống tai và cạo lưỡi, súc miệng bằng nước kiềm ion-hóa, thay vì chỉ nhồi thuốc kháng sinh chờ ngày … tái khám!
Chuyện đời xưa nay vẫn thế! Muốn đường đừng ngập nước nhưng không chịu thông ống cống thì không lội nước về nhà mới là chuyện lạ!
Nguồn: TS. BS Lương Lễ Hoàng – Tạp chí Sức Khỏe