Truyền thống đạo lý của dân tộc luôn lấy chữ nhân làm gốc. Tư tưởng nhân ái “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách” là truyền thống tốt đẹp, là phẩm chất ngời sáng của người Việt Nam.
Nguyễn Trọng Đàm
Truyền thống đạo lý của dân tộc luôn lấy chữ nhân làm gốc. Tư tưởng nhân ái “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách” là truyền thống tốt đẹp, là phẩm chất ngời sáng của người Việt Nam.
Trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, Đảng, Nhà nước và xã hội luôn quan tâm chăm sóc và giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội, trong đó có người khuyết tật. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (6/1991) đã chỉ rõ: “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội. Chăm lo đời sống những người già cả, neo đơn, tàn tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi”. Hiến pháp nước Việt Nam (1992) quy định: “Người già, người tàn tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được Nhà nước và xã hội giúp đỡ” và “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật được học văn hóa và học nghề phù hợp”. Đồng thời khẳng định mọi thành viên, bao gồm cả người khuyết tật đều được Nhà nước bảo đảm quyền công dân như nhau và đều được hưởng các thành quả chung của sự phát triển xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996) tiếp tục nhấn mạnh: “Thực hiện các chính sách bảo trợ trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, người già neo đơn, nạn nhân chiến tranh, người tàn tật” và “tiến tới xây dựng luật về bảo trợ người tàn tật”.
Sự quan tâm, chăm sóc đó đã được thể hiện trong các chính sách, chương trình ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước đối với người khuyết trong các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, tiếp cận với các dịch vụ y tế, văn hoá, thể thao, giao thông và trợ cấp xã hội. Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm, cả nước có gần một triệu người khuyết tật được trợ cấp từ ngân sách Nhà nước (trợ cấp xã hội, trợ cấp thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh); hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, được cung cấp phương tiện trợ giúp (xe lăn, xe đẩy…). Thực hiện chương trình phục hồi chức năng, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; có 260.000 trẻ em khuyết tật học hòa nhập ở các cơ sở giáo dục và 6.000 trẻ em khuyết tật học ở các cơ sở giáo dục chuyên biệt; 19.000 người khuyết tật được học nghề và khoảng 10.000 người khuyết tật được giới thiệu việc làm thông qua trung tâm dịch vụ việc làm.
Các tổ chức của người khuyết tật ngày càng được mở rộng ở các tỉnh, thành phố như: Hội Người mù, Hội Người điếc, Hội Người khuyết tật, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ em mồ côi, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật, Hiệp hội sản xuất, kinh doanh của người tàn tật… Tuy nhiên, đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật vẫn còn nhiều khó khăn. Theo số liệu khảo sát, hiện cả nước có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 6,34% dân số (trong đó có 1,1 triệu khuyết tật nặng, chiếm 21,5% tổng số người khuyết tật). Có tới 37% người khuyết tật đang sống trong hộ nghèo (cao gấp 3 lần so với tỷ lệ nghèo chung cùng thời điểm); 24% ở nhà tạm, 34,4% từ 6 tuổi chưa biết chữ và 21,24% chưa tốt nghiệp tiểu học; 79,13% trong độ tuổi lao động không có khả năng tham gia lao động; 88,94% từ 16 tuổi chưa được đào tạo chuyên môn (trong đó chỉ có 2% đang học nghề); 79,13% sống dựa vào gia đình, người thân… Những khó khăn này cản trở người khuyết tật tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm, tham gia giao thông, dẫn đến khó khăn trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Đối với người khuyết tật, ngoài những quy định chung về quyền, nghĩa vụ như mọi công dân khác, cần thiết phải có hành lang pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích và các chính sách dành riêng cho họ.
Luật Người khuyết tật được Quốc hội Khoá XII, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thể chế hoá đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người khuyết tật nhằm tạo môi trường pháp lý, điều kiện, cơ hội bình đẳng, không rào cản đối với người khuyết tật theo hướng xây dựng các chính sách đối với người khuyết tật trên cơ sở tiếp cận và bảo đảm quyền của người khuyết tật; quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc xóa bỏ rào cản và bảo đảm các điều kiện để người khuyết tật hòa nhập xã hội như những người bình thường khác. Luật Người khuyết tật đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc cũng như tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta.
Trước tiên, về tên gọi của luật, việc sử dụng khái niệm người khuyết tật so với khái niệm người tàn tật (trong Pháp lệnh Người tàn tật) đã tiếp cận với Công ước về Quyền của người khuyết tật (2006) mà Việt Nam đã ký kết, trong đó, vấn đề khuyết tật được nhìn nhận một cách toàn diện hơn ở cả góc độ y tế và góc độ xã hội. Thực tế cho thấy, việc NKT khó có cơ hội tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội do những khiếm khuyết về cơ thể hay chức năng, song khó khăn đó sẽ tăng thêm do những rào cản xã hội. Sự quan tâm đối với NKT không chỉ là chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng mà còn phải góp phần xoá bỏ các rào cản đối với NKT.
Thứ hai, luật khẳng định quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật, quy định đầy đủ và chi tiết về vai trò, nghĩa vụ của gia đình, xã hội đối với NKT. Cụ thể, quy định nghĩa vụ của NKT theo hướng tạo điều kiện để thực hiện bình đẳng quyền công dân và nhấn mạnh quyền, nghĩa vụ riêng biệt cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc bảo đảm để NKT thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ. Bản thân NKT đã có những thay đổi tích cực, từ chỗ chỉ là “người nhận” trợ giúp một cách thụ động nay họ đã mạnh dạn nói lên nhu cầu của mình, đồng thời còn trở thành “người cho” – giúp người khác vươn lên. Không chỉ yêu cầu quyền lợi hợp pháp mà bây giờ NKT còn cần phải hiểu và thực hiện nghĩa vụ của mình với gia đình, xã hội. Những chuyển biến đó xuất phát từ việc thay đổi cách nhìn, theo đó, tình trạng khuyết tật là một vấn đề xã hội chứ không chỉ là vấn đề y tế, đồng thời, xác lập sự dịch chuyển từ phương thức tiếp cận theo hướng nhân đạo sang hướng nhân quyền.
Thứ ba, luật quy định 10 nhóm giải pháp chính sách của Nhà nước, trong đó nhấn mạnh việc bảo đảm nguồn lực, các điều kiện thực thi, xã hội hóa, tuyên truyền, đào tạo cán bộ… thể hiện được sự cam kết của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật về người khuyết tật. Bên cạnh đó, cũng quy định các điều kiện đảm bảo để thực hiện các chính sách như cơ sở khám chữa bệnh, chỉnh hình, phục hồi chức năng… cho NKT. Thể hiện quan điểm tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng bằng các chính sách sách đối với người học, người dạy, cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục quy định. NKT được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung, được ưu tiên trong tuyển sinh và miễn giảm một số môn học, nội dung học mà cá nhân họ không đáp ứng được. Đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thì không được từ chối tuyển dụng NKT có đủ tiêu chuẩn vào làm việc và một số chính sách đặc thù đối với họ theo quy định. Luật đã cải thiện đời sống người khuyết tật và làm thay đổi nhận thức xã hội về người khuyết tật; tạo môi trường pháp lý, môi trường xã hội thuận lợi để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia trợ giúp người khuyết tật.
Thứ tư, luật cũng quy định về chế độ bảo trợ xã hội, quy định cụ thể đối tượng và chính sách bảo trợ xã hội và bổ sung chính sách đối với cá nhân và hộ gia đình chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với người khuyết tật, có chính sách ưu tiên với trẻ em, người cao tuổi là người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng. Điều này thể hiện tính nhân văn sâu sắc, sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội đối những người khuyết tật, vốn là những người gặp nhiều khó khăn trong xã hội.
Bên cạnh đó, Luật Người khuyết tật đã quy định lộ trình cải tạo và nâng cấp tất cả các nhà chung cư, công trình công cộng để bảo đảm việc sử dụng thuận lợi cho NKT. Phương tiện giao thông công cộng cũng phải được cải tạo cho NKT có thể tiếp cận được. Đối với công nghệ thông tin và truyền thông, Luật Người khuyết tật khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thiết lập những chương trình triển khai lộ trình sử dụng ngôn ngữ tín hiệu, chữ nổi Braille, và những thiết bị kỹ thuật cho NKT. Đối với những NKT nhất định, quyền bình đẳng có nghĩa là họ có thể tiếp cận môi trường của họ. Quyền tiếp cận môi trường giúp cho NKT sống độc lập và tham gia đầy đủ vào môi trường xung quanh. Tính tiếp cận không chỉ là một vấn đề đối với NKT khi họ gặp khó khăn trong sử dụng các công trình nhà ở, đường đi và phương tiện giao thông mà còn là một vấn đề đối với những người khiếm khuyết thị lực và thính lực. Để họ tiệm cận được xã hội, cần thiết phải có ngôn ngữ tín hiệu, chữ nổi Braille, băng casset, phông chữ cỡ to, và những công cụ phương tiện sử dụng công nghệ hỗ trợ. Luật quy định cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trong việc phê duyệt thiết kế, tăng cường thanh tra, kiểm tra nghiệm thu các công trình xây mới, đưa vào sử dụng để bảo đảm các điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Quy định này còn tạo bước đột phá mới trong việc xóa bỏ rào cản về vật chất, xã hội đối với người khuyết tật, bảo đảm quyền bình đẳng của người khuyết tật trong tham gia các hoạt động xã hội để họ có điều kiện hòa nhập cộng đồng.
Với cách tiếp cận dựa trên quyền, Luật Người khuyết tật khẳng định các quyền của người khuyết tật và quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện các quyền đó. Vì vậy, có thể nói, việc ban hành và thi hành Luật Người khuyết tật là một chính sách phù hợp, bảo đảm người khuyết tật phát huy, phát triển mọi khả năng có thể, để họ được bình đẳng trong cơ hội việc làm, học tập và hoạt động xã hội. Mặt khác, luật thể hiện tinh thần nhân văn, truyền thống ‘thương người như thể thương thân” thấm được tình cảm quý báu từ ngàn đời của dân tộc ta.
Người khuyết tật là một bộ phận trong cộng đồng người dân Việt Nam, họ cũng là nguồn lực quan trọng để xã hội tiến lên. Và sự ra đời, sớm đi vào cuộc sống của Luật Người khuyết tật sẽ là nền tảng góp phần thực hiện ý nguyện đó.
Nguồn: Tạp chí Lao động