Thắm bé như chiếc kẹo, mặc dù cô đã là sinh viên năm thứ 3. Bẩm sinh không có tay, cô viết bằng chân trái, nhưng chữ của Thắm rất đẹp. Hôm tôi đến, Thắm đang mải mê dạy thêm ngoại ngữ, trong căn phòng nhỏ của gia đình.
Cuộc trò chuyện của tôi với Thắm và người mẹ tảo tần của em tại một làng quê ở huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, trong một chiều mùa đông rét ngọt, với những ánh mắt ngấn lệ.
Đó là những dòng tôi đọc được trên trang web của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) về Lê Thị Thắm lúc tôi tìm kiếm tư liệu về cô sau khi biết được câu chuyện cảm động về một đại biểu Quốc hội đã âm thầm trích tiền lương mỗi tháng giúp cô ăn học.
Mẹ của Thắm, chị Nguyễn Thị Tình, đã không kìm được nước mắt khi kể về quá trình nuôi dưỡng đứa con đầu lòng của mình. Sống tại một làng quê, nhà nghèo, lấy chồng làm nghề phụ hồ, năm 1998 chị mang bầu bé đầu lòng.
Khi chuyển dạ sinh ra Thắm, chưa kịp ngắm con thì y tá đã mang đi, chị hỏi “con tôi đâu” thì mọi người đều im lặng, chỉ nói là để bác sĩ chăm sóc mấy hôm rồi bé sẽ về với mẹ… Gần một tuần sau, khi nhận lại con, chị Tình hoảng hốt ôm trong lòng đứa con gái bé nhỏ, yếu ớt, không có hai tay.
Rồi Thắm cũng lớn dần. Thắm giao tiếp với bố mẹ và người thân bằng ánh mắt trong trẻo, ngây thơ. Rồi Thắm biết nói, biết đi. Chị Tình chỉ mong con khỏe mạnh, ngoan ngoãn ở nhà với ông bà để mẹ đi làm đồng. Nhưng đến tuổi vào lớp 1, Thắm đòi mẹ cho con đến trường. “Không có tay thì con viết làm sao được?” – chị hỏi. “Con sẽ tập viết bằng chân. Mẹ ơi, con muốn đi học như các bạn” – Thắm trả lời.
Và Thắm đến trường làng, học chữ. Chân trái của Thắm khỏe mạnh hơn chân phải nên Thắm học viết bằng chân trái. Mệt mỏi. Đau đớn. Khó khăn. Nắn nót từng chữ một, lúc đầu rất chậm. Nhưng Thắm không bỏ cuộc… Và rồi, Thắm học lớp 1, lên lớp 2, học cùng lớp với các bạn bình thường. Thắm học khá, giỏi các môn (trừ môn thể dục). Đến lớp 5, Thắm đoạt giải cấp huyện thi viết chữ đẹp… Các kết quả học tập khá, giỏi vẫn được Thắm duy trì ở cấp 2, cấp 3.
Và rồi một ngày mùa hè năm 2016, chị Tình đánh liều bước qua cổng Trường Đại học Hồng Đức, gõ cửa phòng thầy hiệu trưởng, trình bày gia cảnh cùng với câu hỏi “như vậy thì cháu có được thi đại học không thầy?”. Người hiệu trưởng đã mở cửa tiếp chị là PGS.TS Nguyễn Mạnh An (thầy An, đã nhận quyết định nghỉ hưu từ tháng 8-2018).
Ông kể, khi nghe mẹ của Thắm giới thiệu và kể chuyện, ông đã ngồi chăm chú lắng nghe.
Nghị lực phi thường của Thắm không tay – Ảnh 5.
Hôm thi đại học, Thắm được mẹ đưa đến phòng thi. Sức khỏe không tốt và áp lực đã khiến cô bị ngất hai lần, mẹ lại phải cõng ra phòng y tế nhờ chăm sóc, tỉnh dậy Thắm lại đòi vào làm bài. Lúc nhận kết quả dưới điểm đỗ, Thắm buồn lắm.
Kể thêm về câu chuyện xúc động này, chị Tình cho biết chị còn nhớ rất rõ lời thầy An an ủi khi chị đưa con đến trường: “Ước mơ của em là học ngành sư phạm Tiếng Anh để sau này dạy các em nhỏ và giúp đỡ người khuyết tật. Nhà trường sẽ cố gắng giúp đỡ, chắp cánh ước mơ của em”.
“Bác cảm động với nhà trường và cảm phục cháu, vì vậy bác đã dành một phần tiền lương của bác để hỗ trợ cháu học tập, mong cho cháu trưởng thành vươn lên trong cuộc sống để trở thành người có ích cho xã hội. Bác cam kết trao học bổng hàng tháng cho cháu 2 triệu đồng cho đến khi cháu tốt nghiệp ra trường”.
Đó là trích đoạn lá thư của TS Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, viết gửi cô sinh viên Lê Thị Thắm chỉ ít ngày sau khi em nhận quyết định xét tuyển. Lá thư viết ngày 2-9-2016, khi Thắm chuẩn bị nhập học.
“Lúc đó tôi chưa được gặp bác Lợi lần nào. Tôi đọc thư và tìm kiếm thông tin trên internet thì biết bác Lợi là đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, được nhiều người kính trọng. Cả gia đình tôi mừng rơi nước mắt. Mẹ tôi bảo là con đã được thần tiên giúp đỡ…” – Thắm kể lại.
Mấy tháng sau, Thắm mới được gặp đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi bằng xương bằng thịt khi ông về thăm Trường đại học Hồng Đức. “Bác rất tự hào về con” – ông ôm Thắm vào lòng. Như lời đã hứa, mỗi năm ông Lợi 2 lần gửi tiền cho Thắm. Ngoài ra, ông còn thường xuyên gọi điện, hỏi thăm, động viên Thắm vượt qua bệnh tật, cố gắng học tập. Vừa rồi, chị Tình phát hiện bị ung thư tuyến giáp, phải vào bệnh viện mổ, ông Lợi còn gửi tiền phụ giúp.
“Sau này con mới biết bác Lợi và thầy An là bạn. Khi bác Lợi đọc trên báo biết trường hợp của con vào học đại học, bác đã gọi điện cho thầy An bàn cách giúp đỡ con, nên thầy An đã cho mẹ con vào làm lao công tại trường để mẹ có thêm thu nhập, thầy còn cho phép mẹ ở cùng ký túc xá để tiện chăm sóc con. Với con, thầy An, bác Lợi là những người cha tinh thần, là những ông tiên xuất hiện trên cuộc đời để giúp đỡ con, cho con thực hiện ước mơ của mình” – Thắm nghẹn ngào.
Đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi không phải là nhân vật xa lạ với bạn đọc Báo Tuổi trẻ, bởi chúng tôi đã nhiều lần trích đăng các phát biểu, trả lời phỏng vấn của ông về nhiều vấn đề quốc kế, dân sinh. Tuổi Trẻ cũng từng có bài viết về “ngân hàng bò” do ông sáng lập để giúp người dân nghèo…
Khi chúng tôi gọi điện cho ông để xác tín chuyện lá thư ông gửi Thắm, ông trả lời ngắn gọn: “Người đáng khen là Thắm. Phải nói rằng con đã có một nghị lực tuyệt vời. Còn chuyện tôi trích lương giúp con ăn học là chuyện cũng nhỏ thôi. Khi biết chuyện về Thắm, tôi suy nghĩ, gọi điện cho PGS.TS Nguyễn Mạnh An trao đổi, tôi nói rằng hai con gái của tôi nay đã trưởng thành, các cháu có việc làm và tự lập được, vì vậy tôi có thể trích lương hàng tháng góp phần giúp Thắm học tập”.
Hôm tôi đến nhà thăm Thắm, thấy cô đang miệt mài dạy một bé gái học Tiếng Anh. Cô viết bằng chân, trò viết bằng tay. “Chị Thắm hiền lành, dạy con dễ hiểu. Mẹ con cho con cuối tuần sang chị Thắm dạy kèm thêm. Con cũng thích học Tiếng Anh” – bé Phương Linh cho biết.
Nghị lực phi thường của Thắm không tay – Ảnh 8.
Còn chị Tình thì khoe: “Chủ nhật sẽ có nhiều các bé đến học thêm hơn. Tôi mừng vì con đã thực hiện được một phần giấc mơ của mình là được dạy học cho các bé. Từ học kỳ này nhà nước có chính sách mới cho các em học ngành sư phạm, Thắm là một trong 5 sinh viên của lớp được nhận học bổng, 510.000 đồng mỗi tháng, con vui lắm.
Cuối tháng 11 vừa rồi, con vinh dự được cùng các bạn trên khắp cả nước về Hà Nội gặp nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, được bác Đam trao tận tay con học bổng dành cho sinh viên nghị lực vượt khó học giỏi…”.
Vui, nhưng chị Tình vẫn lo lắng sức khỏe của con. Tuy đã được các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức mổ cách đây 3 năm để tháo bớt các phần xương khớp tay, nhưng từ đó đến nay hai mẹ con vẫn đều đặn mỗi quý đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện, bởi Thắm mắc các bệnh xương yếu, thoái hoá đốt sống, phải sử dụng thuốc thường xuyên, mỗi khi trái gió trở trời vẫn đau nhức.
“Tôi cũng mong cho mình và chồng có sức khỏe để làm việc nuôi các con. Tôi thì luôn phải theo sát để chăm sóc Thắm, còn bố cháu ở nhà làm thợ xây và nuôi cháu út là em trai thắm năm nay đang học lớp 9” – chị Tình tâm sự.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ