Xã hội ngày càng phát triển không ngừng, ngày càng nhiều thiết bị hiện đại được nghiên cứu, sáng tạo để phục vụ cuộc sống. Đặc biệt với ý nghĩa nhân văn, ngày càng có nhiều sản phẩm công nghệ được thiết kế và sản xuất ở trên Thế giới và ở Việt Nam với mục đích “lấy lại” chức năng bị mất hoặc suy yếu cho người khuyết tật, tạo điều kiện tối đa để họ có cuộc sống bình thường.
Có thể kể đến một số công nghệ đáng chú ý sau
1. Ứng dụng miễn phí giúp người khiếm thị chơi guitar
Với niềm tin vào khả năng đặc biệt của con người cũng như với nỗ lực để cung cấp cho người khiếm thị cơ hội theo đuổi ước mơ học chơi đàn ghi-ta mà công ty Điện tử Samsung Brazil đã công bố ra mắt Samsung Audio Acordes (Chords), một ứng dụng miễn phí dạy người khiếm thị chơi guitar một cách thông minh và thiết thực. Nó được thiết kế để cung cấp hỗ trợ và khả năng tiếp cận toàn diện, ngay cả đối với những người chỉ mới bắt đầu học các hợp âm cơ bản
Sáng kiến này là một phần của Samsung Social, một dự án của Công ty Điện tử Samsung Brazil hướng đến sử dụng công nghệ để khai thác tiềm năng của con người và thúc đẩy họ Kiến Tạo Điều Không Thể.
Với hệ thống giọng nói tích hợp, Samsung Audio Acordes đóng vai trò hỗ trợ cho người khiếm thị học chơi guitar. Ứng dụng này cung cấp cho người mới bắt đầu một từ điển âm thanh dạy họ cách chơi các hợp âm cũng như hướng dẫn người dùng bấm các chuỗi hợp âm theo trình tự của bài hát.
Điều này đặc biệt hữu ích vì ứng dụng này giúp loại bỏ một số rào cản như yêu cầu cần phải biết cách đọc chữ nổi, vốn chỉ có 10% người khiếm thị tại Brazil hiểu được. Người dùng cũng không cần phải ngừng chơi nửa chừng, buông cây đàn ra để lướt đọc bản nhạc.
2. Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ người khuyết tật
Một ông lớn công nghệ khác là Microsoft cũng muốn tạo ra các ứng dụng tận dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để giúp đỡ người khuyết tật. Tháng 7 vừa qua, công ty vừa cho ra mắt sáng kiến AI for Accessibility Initiative, cam kết trong 5 năm tới sẽ đầu tư 25 triệu USD để phát triển các công nghệ giúp người khuyết tật có thể làm việc, kết nối xã hội và tham gia đầy đủ vào cuộc sống hiện đại.
Ví dụ, tháng 3/2016, hãng đã chính thức cho ra mắt ứng dụng Seeing AI có thể giúp ích rất nhiều cho những người mù. Ứng dụng rất đơn giản để sử dụng khi chỉ yêu cầu người dùng cầm camera lên và hướng vào đối tượng mà họ quan tâm.
Ứng dụng sẽ phản hồi bằng nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào những gì mà máy ảnh đang nhìn thấy, chẳng hạn như xác định khuôn mặt của những người bạn đang đi cùng, nói cho bạn biết tuổi của ai đó, cảm xúc của họ ra sao… Seeing AI cũng có thể giúp người khiếm thị đọc các tài liệu văn bản mà họ nhận được.
3. Robot hỗ trợ người già và người khuyết tật
Đây là sản phẩm của nhóm sinh viên Nguyễn Phi Lân, Trần Nguyên Phúc, Lê Ngọc Hoàng của Đại học (ĐH) Đồng Nai. Robot có thể trở thành xe lăn để di chuyển hay biến thành giường nằm. Ngoài ra, nó có thể nâng lên, hạ xuống để người sử dụng tự di chuyển từ robot sang giường nằm mà không cần sự hỗ trợ.
Sản phẩm đoạt giải nhất cuộc thi Nhà sáng tạo Việt Nam với Intel Galileo lần thứ II, năm 2016.
4. Găng tay điện tử thông minh
Sản phẩm này của sinh viên Lê Ngô Duy Phong – ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM – được tích hợp nhiều chức năng, giá thành khoảng 800.000 đồng/đôi. Chiếc găng trái có vai trò như một chiếc điện thoại di động với hệ thống phím bấm được thiết kế dạng chữ nổi braille trên các đốt ngón tay; loa thoại ở ngón giữa và mic dưới lòng bàn tay.
Nếu muốn đàm thoại, người khiếm thị áp sát tay lên má, các phím bấm sẽ dựa vào xúc giác, cử động của ngón tay để hoạt động. Chiếc găng phải có hệ thống phím riêng và kết nối với máy tính qua sóng không dây.
Tác giả đang hoàn thiện sản phẩm, tích hợp các tính năng thành một chiếc găng duy nhất và đang tìm nguồn tài trợ để nghiên cứu, thử nghiệm trước khi thương mại hóa
5. Xe lăn thông minh
Từ chiếc xe lăn bình thường giá khoảng 1 triệu đồng, nhóm sinh viên Tạ Quang Quân, Bùi Xuân Tài, Nguyễn Văn Đại – ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên – tạo ra sản phẩm nhiều tính năng bằng cách lập trình kết nối smartphone và xe lăn. Người sử dụng có thể điều khiển xe từ xa qua điện thoại, bằng giọng nói và cử động đầu.
Sản phẩm còn có tính năng cảnh báo trời tối, cảnh báo hố sâu, giúp người dùng gọi nhanh đến số điện thoại khẩn cấp đã cài đặt trước chỉ bằng một nút nhấn. Sản phẩm đoạt giải nhất cuộc thi Nhà sáng tạo Việt Nam với Intel Galileo 2015.
6. Kính điện tử cảnh báo vật cản
Là sản phẩm của tiến sỹ Nguyễn Bá Hải và các cộng sự tại ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, chiếc kính này giúp người khiếm thị phát hiện vật cản từ khoảng cách tối đa 3,5m, có thể điều chỉnh khoảng cách “nhìn”.
Phiên bản mới có tên MT2EX – được giới thiệu vào tháng 8/2016 – có thể phát hiện vật cản từ đỉnh đầu đến chân nhờ sự kết hợp giữa cảm biến gắn trên mắt kính và thiết bị đeo ở thắt lưng.
Khi phát hiện vật cản, thiết bị này sẽ rung liên tục để cảnh báo. Pin cũng đã được cải tiến để có thể dùng liên tục 7 giờ. Tác giả đang triển khai phiên bản thứ ba, hoàn thiện sản phẩm để sản xuất 1.000 cái theo hợp đồng trị giá hơn 5,5 tỷ đồng mà Bộ Khoa học và Công nghệ ký kết với ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM và nhóm nghiên cứu.
Trên đây chỉ là một số ít trong rất nhiều những ứng dụng công nghệ được tạo ra với mục đích giúp người khuyết tật có thể dễ dạng tiếp cận với xã hội. Với sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ này, người khuyết tật có thể vượt lên số phận, dễ dàng hòa nhập với thời đại 4.0, với sự phát triển không ngừng của xã hội.
Nguồn: Hồng Thái – Đồng Hành Việt