Ở Ấn Độ, nữ diễn viên Sudha Chandran được xem là một trong những giai thoại trong làng giải trí của Bollywood. Nhắc đến bà người ta thường dùng từ “nghị lực thép” để nói lên nghị lực sống phi thường của bà.
Nữ diễn viên Sudha Chandran sinh năm 1964, từng tốt nghiệp Cao học khoa Kinh tế của Đại học Mithibai ở Mumbai, Ấn Độ. Trong một tai nạn giao thông năm 1981, bà bị mất chân phải do bị nhiễm trùng trong phẫu thuật. Tuy nhiên, với nghị lực phi thường, bà không chỉ đi lại bình thường mà còn có thể nhảy múa và biểu diễn với bàn chân giả của mình.
Bà đã phấn đấu trở thành một trong những vũ công xuất sắc nhất ở Ấn Độ, liên tục được mời tới các chương trình biểu diễn. Không chỉ là vũ công, bà còn thường xuyên xuất hiện trong các chương trình truyền hình của Ấn Độ.
Nghị lực sống của Sudha Chandran còn được chuyển thể thành phim truyền hình và điện ảnh và cả 2 lần đều nhận được nhiều giải thưởng lớn. Trong bộ phim “Xà nữ báo thú” sắp tới sẽ chiếu trên một kênh sóng ở Việt Nam, Sudha Chandran sẽ hoá thân thành một Yamini đa nhân cách.
Chia sẻ về cuộc đời mình khi trò chuyện với khán giả truyền hình trong dịp giới thiệu về bộ phim “Xà nữ báo thù” sẽ phát tại Việt Nam, Sudha Chandran kể rằng: “Tôi học nhảy từ lúc lên 3 tuổi rưỡi. Tuổi thơ của tôi khi ấy chỉ là hàng ngày đến trường học nhảy, xong rồi về nhà. Năm lên lớp 10, tôi đứng nhất lớp. Thay vì chọn học các môn khoa học, tôi lại theo học nghệ thuật, có như vậy thì tôi mới có thể tiếp tục theo đuổi đam mê của mình là nhảy múa. Thời gian đó, tôi đã tham gia trình diễn hàng trăm suất diễn tại nhiều sự kiện. Sự nghiệp của tôi chỉ vừa mới bắt đầu nhưng cuộc đời tôi đã rẽ sang một con đường khác.
Tôi đi xe buýt để đến Trichy, và một tai nạn khủng khiếp đã xảy ra khiến tôi bị gãy xương cổ chân. Có lẽ, tôi là người bị thương nhẹ nhất khi đó. Vì số lượng nạn nhân quá nhiều nên tôi được các thực tập sinh chăm sóc. Họ băng bó cổ chân phải của tôi nhưng đã quên khử trùng vết thương. Điều này làm cho chân tôi bị nhiễm trùng nặng. Ba mẹ tôi lo sợ nếu để càng lâu chân tôi sẽ bị hoại tử nghiêm trọng. Cuối cùng, họ đã đưa ra một quyết định khó khăn: cắt đi phần chân bị hoại tử đó. Tôi như rơi xuống vực thẳm vì chính lúc ấy tôi mới nhận ra mình đam mê nhảy múa đến dường nào”.
Nghị lực sống của Sudha Chandran còn được chuyển thể thành phim truyền hình và điện ảnh và cả 2 lần đều nhận được nhiều giải thưởng lớn. Ảnh: TL.
Sudha Chandran chia sẻ thêm rằng bà đã nỗ lực học cách bước đi thêm một lần nữa. Bà đã mất 4 tháng để có thể bước những bước thẳng đầu tiên. Sau đó, bà được lắp chân giả, và tốn thêm 3 năm nữa thực hiện vật lý trị liệu để có thể sử dụng chân giả một cách bình thường.
“Tôi còn nhớ khi tôi quyết định học nhảy lại, mọi người ghé thăm tôi và nói: “thật đáng tiếc giấc mơ của bạn không thể thực hiện” hay “tôi ước gì bạn có thể nhảy”. Điều đó khiến tôi càng quyết tâm hơn để theo đuổi đam mê của mình. Đó là một quá trình chậm chạp và đau đớn nhưng mỗi bước tôi học, tôi biết đó là lẽ sống của mình. Rồi một ngày, tôi tới gặp ba mình và nói với ông ấy rằng tôi đã sẵn sàng để biểu diễn một lần nữa. Ông thật sự bị sốc. Và tôi quyết định nhảy ở Trường Cao đẳng St. Xaviers vào Chủ nhật.
Báo Chủ nhật buổi sáng đã giật tít “Mất một chân, đi một dặm”. Buổi biểu diễn nhanh chóng bán sạch vé. Lúc này, tôi mới cảm thấy lo lắng khi bước lên sân khấu và bà tôi đã nói với tôi rằng: “Đừng lo lắng, thần linh sẽ ở bên con. Hãy để phép màu xảy ra”. Nhưng khi ấy tôi đã giận dữ đáp lại: “Nếu thần linh ở bên con thì Ngài đã không để những điều này xảy ra với con”.
Cuối cùng, tôi đã biểu diễn điệu Varanyam một cách dễ dàng. Tất cả mọi người đều xúc động và đứng lên tán thưởng tôi. Khi tôi về nhà, ba tôi đến bên cạnh và chạm vào chân tôi: “Ba đang chạm vào chân của nữ thần Sarasvati, vì con đã làm được điều tưởng chừng không thể”.
Đó là giây phút mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất trong đời. Sau đó, tôi được truyền thông tán dương và ca ngợi. Tôi nhận được lời mời đóng bộ phim tự truyện về cuộc đời mình, cũng như vô vàn cơ hội khác tôi có ngày hôm nay. Có lẽ, bà tôi đã nói đúng. Thần linh luôn ở bên cạnh tôi, dù trong quá khứ tôi không cảm nhận được điều này. Đó là điều kỳ diệu của cuộc sống. Tai nạn tưởng chừng cướp đi tất cả cuộc đời tôi, nhưng nó cũng có thể là một phước lành, theo cách nào đó”.
Nguồn: Hà Tùng Long – Báo Dân Trí