Nhiều người Sài Gòn không biết ốc ruốc là ốc gì, vì loại ốc này không có trong thực đơn ở các quán ốc Sài Gòn. Đơn giản vì đây là thứ ốc không ai bán ngoài quán: quán bị choán chỗ mà tiền bạc thu về chẳng bao nhiêu.
Cũng không ai vô quán mua vài lon ốc ruốc ngồi lể từ trưa đến tối, dù thực khách đó con ông Nguyễn Văn Rảnh hay cháu bà Phạm Thị Ngồi Không.
Ốc ruốc là thứ ốc người bán bán ngoài chợ, người mua mua về nhà. Mua về, bày rổ ốc ra giường hoặc bày dưới nền nhà (tôi chưa từng thấy ai ăn ốc ruốc trên bàn) rồi ngồi xếp bằng (đôi khi… ngồi chàng hảng) vừa lể ốc vừa râm ran chuyện gẫu thì mới thật là sướng khoái.
Ngoài trời lúc đó có thêm màn mưa bụi lắc rắc khiến không khí lành lạnh nữa thì tuyệt vời.
Ốc ruốc ăn không quen dễ… xì trét
Ốc ruốc là loại ốc nhỏ nhất mà tôi từng thấy. Ốc ruốc nhỏ bằng hạt nút áo, vô số màu sắc khác nhau được trang trí bởi đủ loại đường vân.
Nhìn vô thúng ốc ruốc chẳng khác nào đang ngắm một tấm thảm màu được khảm bởi hằng hà những hạt tròn sặc sỡ, óng ánh.
Chiếc cọ kỳ diệu của thiên nhiên đã vẽ lên vỏ ốc những nét tuyệt đẹp – mỗi vỏ ốc là một hình trang trí hoàn chỉnh để tạo nên một thế giới hội họa trong… thúng ốc.
Ốc ruốc nhỏ nên thịt ốc có chút xíu, cỡ bằng nửa que tăm, “nhét không đủ dính kẽ răng”. So với ốc bươu, ốc ruốc giống như hạt mè đặt cạnh hạt mít.
Nhưng chính điều này làm nên cái thú lể ốc ruốc. Ốc ruốc sau khi ngâm nước một đêm cho “nhả” cát, xong trụng nước sôi cho chín, trộn thêm gia vị gồm muối, sả, lá chanh, dầu, ớt bột…, lập tức trở thành một món ăn vừa cay cay vừa beo béo vừa mằn mặn, hương vị đậm đà thơm ngon khó tả.
Người ta thường lể ốc ruốc bằng gai chanh, gai quýt hay gai bưởi, có người lể bằng gai bồ kết. Không có gai có thể dùng kim gút. Hồi nhỏ tôi thấy bà tôi mỗi khi không tìm được gai thường tháo cây kim băng cài ngang miệng túi để lể ốc.
Con ốc ruốc nhỏ quá nên ăn ốc ruốc không quen rất dễ bị… xì trét. Vì thịt ốc bỏ vào miệng, chưa kịp nhai (mà đâu có nhai cái mẩu bé tẹo đó được), chỉ nhấp môi một cái đã trôi tuột xuống cổ họng.
Vậy mà cái nhấm nháp ngắn ngủi đó đã để lại thứ dư vị mê hoặc nơi đầu lưỡi, gây cảm giác thòm thèm khiến người ăn vội lể con ốc thứ hai, thứ ba. Để rồi lại tức tối, thèm thuồng, nhanh tay cầm lên con ốc thứ tư, thứ năm…
Có người lể ốc “chuyên nghiệp” đến mức bàn tay đi qua đi lại giữa rổ ốc và cái miệng nhanh như sao xẹt. Ăn ốc ruốc, giống như một cách để rèn nghị lực, luyện tính kiên nhẫn.
Người không kiên nhẫn không nên ăn ốc ruốc. Vừa không kiên nhẫn vừa mắc chứng cao huyết áp càng không nên ăn. Nhưng đã ăn rồi là mê, là ghiền cái thứ ốc lạ lùng đó!
Lễ hội ốc ruốc đó chăng?
Ốc ruốc còn lạ lùng ở chỗ ăn kiểu thiêu thiếu như vậy mới ngon. Có người nuốt nước bọt kiên trì lể một loạt mấy chục con ốc, xong đặt tất cả lên miếng bánh tráng cắn một phát cho đã thèm.
Làm như vậy vài lần “đã” đâu không thấy, chỉ thấy sốt ruột, còn xì trét hơn, thế là đành quay trở lại cách ăn truyền thống: lể được con nào bỏ vào miệng con nấy. Để cho hương vị mặn mà kia không đứt đoạn quá lâu trên đầu lưỡi.
Tất nhiên không phải mùa nào cũng có ốc ruốc. Chợ quê, mùa nào thức nấy. Khi thúng ốc ruốc đầu tiên xuất hiện ở chợ, người ta đã râm ran truyền tai nhau, háo hức hệt như có gánh xiếc về làng.
Thế là các bà, các cô lũ lượt xách giỏ ra chợ. Chợ quê tôi, người ta bán ốc bằng lon. Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ, tới mùa ốc ruốc là mẹ tôi xuống chợ Đo Đo mua vài ba lon ốc về, cả nhà ngồi quanh rổ ốc lể cả nửa ngày trời mới hết.
Có lẽ không có món ăn nào con người ta ngồi quây quần bên nhau lâu như ăn ốc ruốc. Nhưng chẳng lẽ tụ họp lại chỉ có tiếng chóp chép. Người ta trò chuyện. Trò chuyện tất có tâm tình, có cười đùa, trêu ghẹo. Tất nhiên có đọc vè, có kể chuyện tiếu lâm.
Buổi ăn thành ra buổi chơi. Mùa ốc ruốc, cả làng tưng bừng… ngồi ăn ốc ruốc. Đi ngang nhà ai, ngó vào cũng thấy già trẻ lớn bé ngồi bệt dưới sàn nhà xúm xít lể ốc, tiếng cười nói thi nhau tràn ra lối nhỏ đường quê. Giống như làng đang vào mùa lễ hội. “Lễ hội ốc ruốc” đó chăng?
Bọn trẻ con chúng tôi không chỉ ghiền ăn ốc ruốc mà còn mê tơi trò lượm vỏ ốc ruốc xâu thành chuỗi để đeo cổ, đeo tay. Đó là đồ chơi thú vị của trẻ con, người lớn không màng. Người lớn chỉ thích nhặt vỏ nghêu đặt úp hàng hàng lớp lớp quanh ảng nước hoặc lối vào chái bếp để có chỗ khô ráo đặt chân.
Có cảm giác mọi đứa trẻ miền Trung đều lớn lên cùng trái sim, trái thị, bánh ú, bánh ít, khoai dẻo, khoai chà và… ốc ruốc, những món quà quê gắn liền với tuổi thơ ao chuôm đồng bãi.
Thỉnh thoảng ngoài chợ có bán ốc bươu, mẹ tôi mua về luộc lên ăn với nước mắm gừng. Thú thật, ngon thì có ngon nhưng chẳng thấy đậm đà, miệng tôi ăn ốc bươu nhưng bụng cứ tương tư ốc ruốc.
Ốc ruốc ám ảnh đến mức bây giờ mỗi khi gió giêng hai đã dịu, trời vào tiết lập xuân, tôi lại bắt gặp mình bâng khuâng nhớ đến mùa cào ốc ở quê tôi. Lúc đó, tôi bất chợt mong mình bé lại để khi thấy mẹ xách giỏ đi chợ, được lon ton chạy lại níu tay nằn nì: “Mẹ ơi, nhớ mua ốc ruốc”…
Theo Nguyễn Nhật Ánh – Tuổi trẻ